Nguyên tác tiểu thuyết Sống chung với mẹ chồng đưa đến thông điệp: để có thể hòa nhập với cuộc sống sau hôn nhân, tình yêu thôi chưa đủ còn cần rất nhiều sự bao dung và một trái tim rộng mở.
Là nguyên tác của bộ phim truyền hình Việt Nam đang gây sốt hai tuần qua, “Sống chung với mẹ chồng” của tác giả Phù Thủy Dưới Đáy Biển kể cuộc sống hôn nhân của cô dâu mới và mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu. Mỗi mẹ chồng - nàng dâu trong câu chuyện đều có tính cách khác nhau nhưng sự căng thẳng trong mối quan hệ đó thì lại giống nhau. Vậy điều gì làm cho mối quan hệ này trở nên tồi tệ và gây ám cho mọi người đến như vậy?
Tiểu thuyết "Sống chung với mẹ chồng"
Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết này là Diệp Hy Lôi – con dâu, Hứa Bân – chồng và Phương Xảo Trân – mẹ chồng. Diệp Hy Lôi là mẫu phụ nữ điển hình hiện nay: xinh đẹp, thông minh và có công việc đầy hứa hẹn. Hứa Bân đang bắt đầu sự nghiệp của mình nhưng lãng mạn, sống tình cảm và gia đình có điều kiện. Phương Xảo Trân là mẫu mẹ chồng yêu thương con, chăm chỉ nhưng phong kiến và cổ hủ.
Quan hệ của Phương Xảo Trân và con trai dường như không hề có khoảng cách. Trong mắt bà, Hứa Bân mãi mãi là một đứa trẻ nên bà cho mình cái quyền được can thiệp vào mọi vấn đề của con.
Tiểu thuyết đã được phóng tác thành bộ phim truyền hình cùng tên, lên sóng giờ vàng trên kênh VTV1 và gây sốt trong cộng đồng mạng Việt Nam hiện nay.
Mâu thuẫn đầu tiên giữa Hy Lôi và mẹ chồng xảy ra khi cô về ra mắt lần đầu tiên. Nếu so với phim truyền hình, đảm bảo độc giả sẽ sẵn sàng rùng mình khi đọc tới chi tiết mẹ chồng không những xông vào phòng con không gõ cửa mà còn cùng con trai vào nhà vệ sinh, đích thân kiểm tra xem con trai có phát sinh quan hệ cùng bạn gái hay không.
Chứng kiến cảnh đó, Hy Lôi cảm thấy hành động đó rất biến thái và góp ý với Hứa Bân. Tuy nhiên sau đó, hai mẹ con Hứa Bân vẫn vô tư ở trong nhà vệ sinh cùng nhau, như thể anh chỉ mới là đứa trẻ lên năm. Thậm chí, Phương Xảo Trân còn liên tục cho mình quyền được lục lọi, sắp xếp phòng riêng của con và thậm chí là được đọc trộm nhật ký của con dâu.
Mâu thuẫn bắt đầu lên cao khi có một fan nữ tặng hoa cho Hy Lôi, nhưng bà lại nói với Hứa Bân rằng có một người đàn ông đã tặng nó cho cô. Hứa Bân đã nghe lời của mẹ và lao vào đánh Hy Lôi, không cho cô một cơ hội giải thích.
Sự ghen tuông mù quáng và máu bạo lực đã khiến Hứa Bân đối xử tàn tệ với người con gái anh yêu thương. Mặc dù khi biết được sự thật, anh đã ăn năn hối cải và hứa sẽ sửa đổi nhưng cuối cùng vẫn là chứng nào tật nấy.
Không thể phủ nhận rằng Phương Xảo Trân là người mẹ đảm đang, yêu thương con cái, bà không hề nề hà giặt cả đồ lót cho con dâu. Tuy nhiên, bà luôn muốn chiếm hữu và giữ vị trí độc tôn trong lòng con trai. Chính vì nguyên nhân này mà bà đã nhiều lần cố gắng tác động chia rẽ con trai và con dâu.
Ngay cả khi đã dụ dỗ lấy được toàn bộ khoản tiền tiết kiệm của Hy Lôi để mua thêm nhà, Phương Xảo Trân cũng không chịu để Hứa Bân và Hy Lôi ở riêng trong ngôi nhà mới mua mà bắt 2 người phải tự thuê nhà, còn ngôi nhà mới thì cho người khác thuê. Hứa Bân quen thói công tử bột, không chịu được khổ cực nên dần dần bị mẹ lôi kéo, suốt ngày chạy về nhà để mặc vợ mình cô đơn, chịu khổ ở bên ngoài.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi em trai của Hy Lôi bị tai nạn, cô năn nỉ mẹ chồng để lấy tiền tiết kiệm của mình về lo cho em. Nhưng thứ cô nhận về lại là những câu nói lạnh lùng. Thậm chí, mẹ chồng còn cho rằng cô cấu kết với nhà mẹ đẻ để đòi khoản tiền đó. Giọt nước tràn ly, cô cãi nhau với mẹ chồng và bị Hứa Bân đánh.
Tình yêu nồng cháy phải chăng đã tắt lụi vì những mâu thuẫn triền miên? Lòng của Hy Lôi phải chăng sẽ nguôi lạnh vì những đắng cay mà cô phải chịu đựng? Cô có lựa chọn giải thoát cho bản thân để đi tìm hạnh phúc mới? Cô có đủ dũng cảm để lựa chọn một lối rẽ khác cho chính mình?
Khác với Hy Lôi, bạn thân của cô – Mai Lạc lại là một cô gái khá khéo léo trong việc cư xử với mẹ chồng. Khi quan hệ của hai người căng thẳng, cô đã chọn cách đánh vào sự mê tín của mẹ chồng để bà tự chọn con đường về quê chứ không hề cãi lại.
Tuy nhiên, đến cuối cùng, bi kịch của câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu vẫn diễn ra. Chỉ vì muốn con dâu sinh thêm cháu trai, mẹ chồng đã thông đồng với bọn buôn người để bán đứa cháu gái của mình đi. Mai Lạc vì đau lòng mà hóa điên, mẹ chồng phải vào tù và chồng thì bị tai nạn chết.
Vợ chồng cô bạn thân Trang (Thu Quỳnh) và Tùng (Danh Tùng) trong phim liệu có cái kết thúc bi thảm như truyện?
Mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu tưởng chừng chỉ là những xung đột nhỏ hàng ngày trong gia đình nhưng nó lại có khả năng đẩy số phận từng người vào bi kịch. Để có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, con người không chỉ cần tình yêu mà còn cần sự bao dung và trái tim rộng mở. Nếu lúc nào cũng giữ suy nghĩ phòng bị lẫn nhau thì mối quan hệ sẽ tràn ngập sự nghi kị - thù ghét.
Liệu Hy Lôi có thể tìm được tình yêu đích thực của cuộc đời mình? Con gái của Mai Lạc liệu có thể tìm được ngôi nhà bình yên để lớn lên?
Kết thúc của câu chuyện chắc chắn sẽ làm cho mọi người thấy thỏa mãn. Quá khứ của mỗi nhân vật cũng khiến người đọc hiểu ra rằng: chẳng có ai ban đầu đã là kẻ xấu, cũng chẳng có ai ban đầu đã là người tốt, nhiều khi cần mở rộng tấm lòng thì mới có thể nhìn thấy điểm tốt của đối phương.
Hạnh phúc của vợ chồng Vân (Bảo Thanh) và Thanh (Anh Dũng) liệu có đứng vững trước thử thách mang tên "mẹ chồng"?
Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu là vấn đề tế nhị muôn thuở. Nhưng không phải mẹ chồng nào cũng đáng sợ, nàng dâu nào cũng ghê gớm. Nếu mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp thì chính bản thân phải là người học cách cho đi. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là những người trong đó ai cũng mong muốn những người còn lại hạnh phúc. Dù không thể xem nhau như ruột thịt thì cũng có thể dùng thiện ý để đối đãi và cư xử, mối quan hệ như vậy cũng có thể làm con người tốt đẹp lên.
Cách kể chuyện hấp dẫn, những thắt nút – mở nút hợp lý làm người đọc cảm thấy thỏa lòng. Đặc biệt, những xung đột trong truyện đều gần gũi với cuộc sống thường ngày, tính cách của mẹ chồng – nàng dâu đa dạng nên người đọc dễ tìm được câu chuyện của mình trong từng nhân vật. Dù viết về những điều không tốt đẹp trong cuộc sống hôn nhân nhưng Sống chung với mẹ chồng lại đưa đến cho mọi người niềm tin để mở lòng đón nhận những người thân không cùng dòng máu.