Sau sinh, cơ thể mỗi sản phụ cần thời gian để hồi phục sức khỏe nhanh chóng vì thế các mẹ bỉm tuyệt đối tránh làm những việc này để khỏe mạnh và không để lại hậu quả khôn lường về sau.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trương Quang Hải - Tốt nghiệp chuyên ngành sản phụ khoa Đại học Y Hà Nội; chuyên gia trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn - sản phụ khoa và nam khoa cho biết, 7 không sản phụ sau sinh nên tránh làm để hồi phục sức khỏe nhanh và không để lại hậu quả khó lường, cụ thể gồm những thứ sau:
1. Không đưa bất cứ thứ gì vào “cô bé” sớm trước 6 tuần sau sinh
Sau sinh, vùng kín của mỗi chị em có thể sẽ thay đổi nhiều hay ít. Những thay đổi này sẽ bao gồm cả việc chị em có thể trở lại chu kỳ kinh nguyệt bình thường và có thể quay lại với một số hoạt động thường ngày như gần gũi với chồng hoặc sử dụng tampon.
Thế nhưng dù sản phụ sau sinh cảm thấy cơ thể khỏe mạnh thế nào vẫn nên đợi ít nhất khoảng 6 tuần sau sinh để có thể đưa bất cứ thứ gì vào âm đạo.
Nguyên nhân là vì nguy cơ nhiễm trùng khá cao. Tử cung thường cần một thời gian để hồi phục lại sau khi sinh nở. Đặc biệt, quá trình sinh nở của bạn cần can thiệp vào âm đạo thì vùng này càng cần nhiều thời gian để hồi phục.
2. Không làm việc quá sức
Sau sinh, sản phụ có thể sẽ bị “quá tải” bởi hàng tá công việc chăm con như cho con bú, thay bỉm và chỉ được ngủ rất ít. Tuy nhiên, việc dành thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân là vô cùng quan trọng. Thậm chí nếu không có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sau sinh thì sản dịch của bạn sẽ ra nhiều hơn.
Vì thế, sản phụ cần lắng nghe cơ thể mình và dành nghiều thời gian nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt giai đoạn này, tránh làm việc quá sức dẫn đến chấn thương, căng cơ hoặc luôn thấy lo âu.
3. Không phớt lờ những cơn đau
Đa số phụ nữ sau sinh sẽ bị đau ở một mức độ nào đó, nhưng mức độ đau và thời gian đau sẽ khác nhau. Đau có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và có thể khác nhau ở từng người, từng lần mang thai.
Các loại cơn đau thông thường sau sinh như: đau quặn bụng do tử cung co lại, đau ở khu vực giữa hậu môn và âm đạo, đau quanh vết mổ, khó chịu ở cổ, lưng, các khớp, đau ở vùng háng hoặc sưng ở ngực… Nếu những cơn đau làm sản phụ cảm thấy quá khó chịu và kéo dài, nên phải tới bác sĩ thăm khám sớm.
4. Không nên giấu diếm những khó khăn
Tình trạng buồn bã sau sinh (baby blue) gặp phải ở 80% số trường hợp sản phụ sau sinh và có thể sẽ khiến các chị em buồn bã, lo âu hoặc căng thẳng trong vòng 10-14 ngày đầu sau sinh.
Sau 2 tuần đầu tiên, nếu vẫn cảm thấy không là chính mình thì nên được đánh giá về tình trạng trầm cảm sau sinh. Có khoảng 20% số sản phụ sẽ gặp phải tình trạng trầm cảm sau sinh và nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả khó lường.
5. Đừng quên tránh thai
Sự thật là các mẹ bỉm có thể mang thai trở lại ngay sau 6-8 tuần sau sinh. Do đó, nên suy nghĩ đến việc sử dụng biện pháp tránh thai ngay sau khi quan hệ tình dục trở lại sau sinh nếu không muốn bị "vỡ kế hoạch" trong tương lai gần.
Theo đó, các chị em có thể dùng bao cao su ngay khi gần gũi lại sau sinh. Nếu muốn sử dụng thuốc tránh thai thì nên đợi thêm một vài tuần sau sinh. Thực tế nhiều sản phụ kháo nhau cho con bú để giúp tránh thai sau sinh, nhưng điều này chỉ đúng một phần. Trong một số trường hợp, cho con bú có thể ngăn chặn quá trình rụng trứng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả này, mẹ bỉm cần phải cho con bú ít nhất 4 tiếng một lần trong suốt cả ngày và 6 tiếng một lần vào ban đêm. Nếu không, việc tránh thai bằng cách cho con bú sẽ không hiệu quả.
6. Không được ăn uống thiếu dinh dưỡng
Việc luôn cho em bé ăn đủ là cần thiết nhưng việc bổ sung đủ dinh dưỡng cho bản thân sản phụ sau sinh cũng vô cùng quan trọng. Nếu đang cho con bú, mẹ bỉm cần bổ sung thêm từ 450-500 calo/ngày để tạo sữa cho bé.
Một số cách để tăng cường dinh dưỡng trong giai đoạn sau sinh bao gồm: Ăn thực phẩm tươi sống như trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, hạn chế đồ ăn nhanh nhiều chất béo bão hòa và đường, tiếp tục bổ sung vitamin sau khi sinh, uống đủ nước (ít nhất 16 cốc nước mỗi ngày).
7. Không hút thuốc hoặc ngửi khói thuốc lá thụ động
Nếu chồng hay người thân hút thuốc, bạn nên tìm các trung tâm hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho những người thân vì hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ về sức khỏe của bản thân người hút thuốc nhưng hút thuốc lá thụ động cũng là yếu tố nguy cơ chính của hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh.
Tiếp xúc với khói thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ hen suyễn hoặc các vấn đề hô hấp khác ở trẻ em. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc sai mục đích cũng khiến mẹ bỉm và em bé có nguy cơ tử vong sớm.