Mặc dù sinh 2 con cách nhau 4 năm nhưng vì quá ám ảnh, mệt mỏi với lần sinh đầu không có sữa, mẹ bỉm đã lên kế hoạch gọi sữa về ngay từ những ngày bầu bí lần thứ 2.
Ám ảnh “tập đầu” sinh con mất sữa vì thiếu kinh nghiệm
Chị Đặng Thanh Hà, 36 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng là một bà mẹ 2 con nhỏ. Con đầu lòng của vợ chồng chị cách con thứ 2 khoảng 4 năm.
Theo chị Hà chia sẻ, lần đầu mang bầu chị trộm vía rất khỏe mạnh, vì không nghén nên chị không mệt mỏi và làm việc đến tận trước ngày sinh. Thậm chí vì bị say xe nên ngày có dấu hiệu chuyển dạ nhập viện sinh, vợ chồng chị còn đi xe máy chở nhau đi đẻ như bình thường.
Lần đầu sinh con mẹ bỉm không có sữa cho con bú nên ngay khi bầu lần 2 đã chuẩn bị kế hoạch để có sữa về tràn trề sau sinh. (Ảnh: NVCC)
Thời điểm sinh con đầu lòng do cả gia đình và chính bản thân 2 vợ chồng trẻ đều thiếu kinh nghiệm chăm sóc mẹ bé khi ở cữ nên sau sinh chị Hà có rất ít sữa, không có đủ cho con bú. Do đó, mẹ bỉm lúc nào cũng stress, lo lắng và hoang mang vì không có sữa mẹ nuôi con như nhiều bà mẹ bình thường khác.
Lại thêm, chị Hà không ăn được nhiều sau sinh nên cơ thể càng mệt mỏi, sữa đã ít lại càng ít khiến vợ chồng trẻ phải nuôi bộ hoàn toàn rất mệt mỏi và nhiều áp lực.
“Quá nhiều stress khiến em không có sữa cho con bú, buộc phải nuôi bộ. Mà nuôi con bộ thì những mẹ bỉm như em luôn gặp những áp lực nặng nề về tâm lý. Bên cạnh những lời hỏi han, quan tâm thì em nhận được nhiều lời trách móc của người thân, họ hàng, gia đình, bạn bè. Trong khi chi phí nuôi con bộ cũng rất tốn kém nữa”, chị Hà nhớ lại.
Chủ động lên kế hoạch gọi sữa về từ ngay khi bầu lần 2
4 năm sau khi bầu con đầu lòng, chị Hà mang bầu lần thứ 2 và thấy nhiều khác biệt. Do lần mang thai thứ 2 này, mẹ bỉm bị dọa sảy và nghén nhiều nên sức khỏe yếu hơn hẳn lần 1, cơ thể luôn mệt mỏi thấy rõ.
Lo ngại bầu lần 2 bị dọa sảy và bị nghén nặng nên chị Hà chủ động tìm tới bác sĩ chuyên khoa để được nghe tư vấn và những lời khuyên thiết thực. Qua những lời khuyên của bác sĩ, mẹ bầu chú trọng chế độ ăn uống bằng cách ăn đa dạng thực phẩm, chia nhỏ làm nhiều bữa ăn/ngày, bổ sung vitamin và thuốc bổ trong giai đoạn mang thai.
Ở cữ chị Hà ăn đủ nhóm các thực phẩm đa mạng mà bác sĩ khuyên ăn như: đạm,tinh bột, trái cây rau xanh và uống bổ sung vitamin. (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, để thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho cả 2 mẹ con, chị chăm chỉ tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn để duy trì sức khoẻ trong thời gian bầu bí.
Nhận thức rõ sự vất vả, mệt mỏi khi nuôi con đầu không có sữa sau sinh nên ngay khi mang bầu và ở cữ chị Hà đã quyết tâm tìm cách cải thiện và gọi sữa mẹ về bằng được cho con có thể được hưởng nguồn sữa mẹ quý giá trong thời gian dài nhất có thể.
“Hàng ngày em ăn đủ nhóm các thực phẩm đa mạng mà bác sĩ khuyên ăn như: đạm,tinh bột, trái cây rau xanh và uống bổ sung vitamin. Em cũng luôn theo dõi, tham khảo các thực đơn, món ăn tốt cho sức khoẻ của mẹ và lợi sữa cho con. Tuyệt đối hạn chế ăn đồ lạnh, không dùng chất kích thích như bia rượu, cà phê và một số thực phẩm như thịt trâu, thịt vịt theo kinh nghiệm dân gian”, chị Hà cho biết.
2 lần sinh con là 2 lần trải nghiệm hành trình mang thai và ở cữ khác nhau 1 trời 1 vực của chị Hà. (Ảnh: NVCC)
Để gọi sữa mẹ về, ngoài những bữa cơm cữ chất lượng nhiều đạm, tinh bột, rau xanh, trái cây ra mẹ bỉm còn uống bổ sung nhiều nước ấm và sữa tươi ấm. Ngoài ra, chị Hà uống thêm cao chè vằng lợi sữa, các thực phẩm chức năng cho phụ nữ sau sinh và cho con bú.
“Việc uống nước ấm, uống sữa tươi ấm và nước cao chè vằng lúc ấm em luôn coi là một trong những cách kích để nhiều sữa cho bé bú. Em đã trải nghiệm và thấy có tác dụng rất rõ rệt, vì thế các mẹ không nên bỏ qua. Việc uống những thứ nước trên lúc còn ấm nóng giúp duy trì lượng sữa tiết ra mỗi ngày. Nếu mẹ nào lười uống nước đồng nghĩa với việc lượng sữa tiết ra cũng ít đi, có thể ít sữa dần. Do đó, hãy uống nước ấm đủ mỗi ngày để đảm bảo sữa mẹ về nhiều cho con bú”, chị Hà kể.
Sau sinh lần 2 chị Hà tràn trề sữa mẹ, phải đóng cấp đông dùng dần vì con ăn không hết. (Ảnh: NVCC)
Ngoài chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ thì tâm lý của người mẹ khi ở cữ là yếu tố quan trọng giúp tăng lượng sữa mẹ. Sau sinh, chị Hà khuyên các mẹ bỉm đừng quá ôm đồm mọi việc mà nên chia sẻ với chồng và người thân trong gia đình trong việc chăm sóc bé để bản thân có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Giữ tinh thần luôn luôn vui vẻ, lạc quan, tránh suy nghĩ căng thẳng có thể ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ mẹ bỉm khi ở cữ.
Nhờ chủ động lên kế hoạch gọi sữa về sau sinh như vậy nên khi bầu con thứ 2, chị Hà tăng 22kg nhưng nhờ ăn uống khoa học, tinh thần thoải mái và nhờ sự giúp đỡ của anh xã cũng như gia đình 2 bên mà trong giai đoạn ở cữ mẹ bỉm đã về dáng, đạt số cân nặng ban đầu như khi chưa mang thai.
Gia đình nhỏ hạnh phúc nhà vợ chồng chị Hà hiện nay. (Ảnh: NVCC)
“Sau sinh, em vẫn kích sữa 7 lần/ngày với số lượng sữa mẹ sản sinh ngày một nhiều. Chẳng những em có đủ lượng sữa cho bé thứ 2 bú mà còn cấp đông dùng dần. Ai cũng bảo chẳng bù cho lần 1 sau sinh không có sữa, con phải nuôi bộ hoàn toàn. Vì thế gọi sữa mẹ về không quá khó khăn đâu, chỉ cần các mẹ bầu khi mang thai lưu ý và lên kế hoạch kỹ là được”, mẹ bỉm khẳng định.