Có lẽ vì hành trình tìm con quá dài và nhiều vất vả mà sau sinh mẹ bầu Long An đã mắc “bệnh lạ” mỗi lần cho con bú.
Trong chương trình “Chat với mẹ bỉm sữa”, chị Huỳnh Trần Như Ý (33 tuổi, Long An) đã tham dự chương trình chỉ sau tròn 1 tháng 1 ngày ở cữ. Mục đích mà mẹ bỉm đang ở cữ này có mặt ở đây để một lần kể hết những khó khăn chị vừa trải qua nhằm động viên các mẹ hiếm muộn khác.
7 năm hiếm muộn, 4 lần IVF và 2 lần sảy thai mới được hạnh phúc trọn vẹn
Mới đây vợ chồng chị Huỳnh Trần Như Ý (33 tuổi) ở Long An vừa sinh bé gái 2,9kg khỏe mạnh. Hạnh phúc này đến với vợ chồng chị sau 7 năm hiếm muộn với rất nhiều thử thách trong hành trình tìm con.
Chị Như Ý cho biết, vợ chồng chị kết hôn năm 2016. 2 năm sau ngày kết hôn chị mới mang bầu nhưng lại bị thai lưu sau đó khiến vợ chồng chị rất lo lắng. Suốt 3 năm qua, vợ chồng này đã trải qua 4 lần thụ tinh ống nghiệm, 1 lần có bầu nhưng cuối cùng cũng không giữ con lại được.
Chị Như Ý bên con yêu mới sinh.
Quá lo lắng và mất phương hướng, chị Như Ý đã quyết định nghỉ việc để tập trung tìm hiểu các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Nhiều lúc người vợ này đã từng muốn bỏ cuộc vì bản thân rất lo sợ tuổi tác ngày một nhiều, cơ địa ít trứng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên được sự động viên của anh xã và khát khao làm mẹ trỗi dậy nên chị quyết định không bỏ cuộc, tiếp tục đi thụ tinh nhân tạo. Và may mắn đã mỉm cười với vợ chồng hiếm muộn này.
Ở lần IVF này, người vợ Long An đã có 5 phôi đạt chất lượng nhưng 2 phôi tốt nhất lại phát hiện có bệnh. Phải đến phôi thứ 3 chị mới phát hiện que thử lên 2 vạch mờ sau 6 ngày chuyển phôi.
Khi biết bản thân có bầu, vợ chồng chị Như Ý rất vui mừng. Nhưng từ đây mẹ bầu luôn có một nỗi lo canh cánh trong lòng đó là lo sợ bị sảy thai giống như 2 lần trước, lo sợ có thai cũng chưa chắc đã về đích an toàn.
Bởi vậy những dấu hiệu rất bình thường của thai kỳ cũng khiến mẹ bầu hoảng sợ, nhanh chóng đến viện thăm khám mới yên tâm. Thậm chí khi những dấu hiệu ấy lặp lại vẫn làm chị lo lắng đi khám tái. Dần dần mẹ bầu cũng từng bước vượt qua các mốc an toàn của thai kỳ và mới thấy nhẹ nhõm hơn.
Để chủ động không bị tiểu đường thai kỳ, trước và sau khi chuyển phôi, chị Như Ý chủ động kiêng tinh bột, hạn chế ăn trái cây nhiều đường. Vì thế khi bị tiểu đường thai kỳ mẹ bầu đã rất sốc và càng bắt bản thân kiêng khem nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát tốt hơn. Mỗi bữa ăn trong ngày, mẹ bầu chỉ ăn 2 muỗng cơm gạo lứt, một đĩa đầy rau củ. Những tháng cuối thai kỳ, đa phần chị chỉ ăn rau xanh để thai kỳ khỏe mạnh nhất.
Sau sinh mỗi lần cho con bú, mẹ bỉm lại khóc vì mắc bệnh lạ
Trong suốt thai kỳ, bản thân chị Như Ý rất muốn sinh thường để tốt cho sức khỏe của mẹ bé. Nhưng khi vượt cạn, sức khỏe của mẹ bầu không đáp ứng được nên đành phải chuyển sang sinh mổ. May mắn ca mổ đẻ an toàn, vợ chồng chị đã được đón con yêu sau 7 năm hiếm muộn tìm con. Thời điểm được bác sĩ sản khoa đặt con lên ngực da kề da với mẹ, chị hạnh phúc đến phát khóc.
Sau sinh dù luôn có chồng ở bên chăm sóc động viên, bản thân chị Như Ý cũng tin tưởng, chia sẻ với chồng mọi chuyện nhưng mẹ bỉm vẫn mắc căn bệnh lạ. Đó là mỗi lần cho con bú, chị bị đau đầu, nước mắt, nước mũi chảy vô cớ, không thể kiểm soát.
Sau 7 năm hiếm muộn mẹ bỉm mới được bế con đầu lòng.
Mặc dù phát hiện bệnh lạ của mình và đã cố gắng tự điều chỉnh nhưng tình trạng này không thuyên giảm. Do đó, chị quyết định hỏi bác sĩ. Bác sĩ nói chị bị dị ứng với hormone oxytocin (hormone hạnh phúc). Rất có thể mỗi khi cho con bú, mẹ bỉm hạnh phúc quá nên dẫn đến mất kiểm soát tâm trạng trên.
Để kiểm soát bệnh này, bác sĩ chỉ định chị Như Ý phải uống thuốc giảm đau mỗi khi cho con bú mẹ. Điều này khiến chị Như Ý rất cân nhắc vì nghĩ việc sử dụng nhiều thuốc giảm đau sẽ không tốt cho con nên chọn cách hút sữa, cho con bú bình.
Ở thời điểm hiện tại, mẹ bỉm Long An 33 tuổi đang tận hưởng những ngày làm mẹ đầy hạnh phúc sau 7 năm đằng đẵng mong con. Chị được chồng, bố mẹ 2 bên hết lòng yêu thương chăm sóc và nhận được nhiều lời chúc mừng của các mẹ hiếm muộn khác.