Chiều 5/10/2022, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa thông tin về cặp song sinh chào đời ở tuần thai thứ 25, nặng 500gram, được nuôi dưỡng theo đường truyền chỉ với 10 giọt sữa mỗi bữa.
Đó chính là cặp song sinh 1 trai, 1 gái của vợ chồng sản phụ sinh năm 1996. Để cứu sống cặp song sinh này chào đời ở tuần 25, theo TS. Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết là một kỳ tích trong sản khoa.
Vị bác sĩ này chia sẻ, trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc 2 bé sơ sinh, 2 bé được hỗ trợ hô hấp bơm surfactant thở máy 43 ngày, thở ôxy 30 ngày; nuôi dưỡng tĩnh mạch kết hợp tiêu hóa phòng viêm ruột hoại tử. Bởi thế, việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven là vô cùng khó khăn khi toàn bộ tay, chân trẻ không bằng tay út của người lớn.
Cặp song sinh 1 trai, 1 gái của vợ chồng sản phụ sinh năm 1996.
Bởi thế, trong 6 ngày đầu 2 bé ăn được 1ml/bữa, sau 2 tuần ăn được 6ml/bữa, sau 23 ngày ăn được 10ml/bữa bằng cách nhỏ sữa từng giọt. Có thời điểm trẻ chỉ ăn đc 0,5ml, tương đương 10 giọt sữa. Cứ 1-1,5 tiếng 2 bé sẽ được bác sĩ dùng bơm truyền sữa.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Danh Cường cũng chia sẻ về khó khăn các bác sĩ gặp phải trong quá trình chăm sóc trẻ là chống nhiễm khuẩn, ổn định thân nhiệt.
PGS.TS Trần Danh Cường và các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc trẻ.
Được biết, đến nay 2 bé đã ăn được 600ml-700ml sữa/ngày và tăng trưởng từng ngày. Hiện 2 bé sơ sinh đã biết mỉm cười tự phát, massage thể hiện sự dễ chịu. Mẹ bé được hướng dẫn chăm sóc Kangaroo từ lúc 3 tháng tuổi.
Bác sĩ Cường cũng cho biết, đây là lần đầu tiên, cặp song sinh chỉ 500 gram vốn là song thai 2 bánh rau được nuôi sống thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bố của bé sinh non hạnh phúc ôm con.
Những biến chứng nguy hiểm khi mẹ sinh non
Mặc dù không phải tất cả trẻ sinh non đều gặp phải các biến chứng, nhưng việc sinh ra quá sớm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Thực tế, trẻ sơ sinh sinh ra càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao. Cân nặng khi sinh cũng đóng một vai trò quan trọng. Trong đó những biến chứng ngắn hạn trong những tuần đầu tiên bé sinh non có thể gặp như: Khó thở, rối loạn phổi do hệ hô hấp chưa trưởng thành; các vấn đề về tim mạch; nguy cơ chảy máu não, xuất huyết não; mất nhiệt cơ thể nhanh chóng; biến chứng viêm ruột hoại tử; mắc các vấn đề về máu như thiếu máu và vàng da sơ sinh; gặp vấn đề về trao đổi chất, hệ thống miễn dịch…
Bên cạnh đó, sinh non có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài về sau cho trẻ như: Bại não, khả năng kém phát triển trí tuệ hơn so với trẻ sinh đủ tháng; Có thể phát triển bệnh võng mạc do sinh non; nguy cơ bị giảm thính lực ở một mức độ nào đó; nguy cơ phát triển các vấn đề về răng miệng; đối mặt với một số vấn đề về hành vi hoặc tâm lý, chậm phát triển; gặp các vấn đề sức khỏe mãn tính như nhiễm trùng, hen suyễn các vấn đề về tiêu hóa, hội chứng đột tử, các vấn đề về dạ dày và bệnh nhiễm trùng mãn tính…
Để phòng ngừa sinh non, mẹ bầu cần trang bị kiến thức phòng ngừa từ trước khi mang thai như: Bổ sung progesterone đầy đủ; Chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh; Chế độ ăn uống lành mạnh; khám thai định kỳ bao gồm sử dụng siêu âm để giúp xác định tuổi thai và phát hiện đa thai, sàng lọc trước sinh.