Nếu người mẹ bị trầm cảm sau sinh thì tuyệt đối không thể thờ ơ, chủ quan. Vấn đề này cần được quan tâm đúng mức để không xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.
Trầm cảm sau sinh nếu như không được điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm. Mức độ của bệnh càng ngày càng nặng thì có thể gây ra rất nhiều hậu quả xấu sau đây:
1. Hậu quả đối với bản thân người mẹ
Các bệnh về tim
Trầm cảm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của người mẹ. Trầm cảm làm tăng nguy cơ tử vong cũng như các vấn đề về tim như nhồi máu cơ tim hoặc suy tim. Vì các nghiên cứu đã cho thấy có sự liên kết rõ ràng giữa trầm cảm với sức khỏe tim mạch nên Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã xác định trầm cảm là một yếu tố gây ảnh hưởng xấu cho tim.
Hệ miễn dịch suy yếu
Khi bị trầm cảm, hormone gây stress đã tồn tại trong cơ thể mẹ một khoảng thời gian dài. Điều này làm cho hệ miễn dịch suy giảm. Mẹ sẽ dễ mắc phải một số bệnh khác như cảm lạnh, cúm…
Muốn tự tử
- Người mẹ bị trầm cảm sẽ có tâm lý tự ti, cảm thấy mình là gánh nặng của mọi người xung quanh. Những cảm xúc tiêu cực đó sẽ dẫn đến việc mẹ nghĩ rằng mình không đáng sống và có hành vi tự tử. Nguy cơ này đặc biệt cao ở nhóm những người bị rối loạn tâm thần và có sử dụng chất gây nghiện.
- Để đánh giá chính xác nguy cơ tự tử ở những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thì cần nắm rõ một số yếu tố sau:
+ Tiền sử dùng chất gây nghiện;
+ Đã từng tự tử hay chưa;
+ Tình trạng rối loạn tâm thần (trước đây cũng như hiện tại);
+ Dấu hiệu bị bạo lực gia đình;
+ Những sang chấn tâm lý trước đây.
Một trong những hậu quả của trầm cảm sau sinh là người mẹ muốn tự tử. (Ảnh minh họa)
Bị rối loạn tâm thần
Có khoảng 1/500 phụ nữ sau sinh bị rối loạn tâm thần, bắt đầu từ khoảng 2-4 tuần sau khi sinh. Những dấu hiệu của rối loạn tâm thần có thể kể đến như sau:
- Suy nghĩ lẫn lộn
- Cảm xúc thất thường
- Xuất hiện ảo giác
- Có những ý nghĩ hoang tưởng
Tình trạng rối loạn tâm thần rất cần phải theo dõi, điều trị nội trú vì đặc biệt nguy hiểm.
Sát hại con
Những trường hợp mẹ sinh con ngoài ý muốn, sử dụng các chất gây nghiện hoặc thù hận với bố của đứa trẻ có thể sẽ có hành vi này. Đây là hậu quả nghiêm trọng nhất đối với những trường hợp bị trầm cảm sau sinh nặng (có thể đi kèm với rối loạn tâm thần). Có khoảng 16-29% người mẹ giết con mình và sau đó cũng tự tử theo. Vì vậy mà đối với những trường hợp chỉ cần có suy nghĩ thoáng qua là hại đứa trẻ thì cần phải đặc biệt chú ý.
2. Hậu quả đối với em bé
Khi bị trầm cảm, người mẹ sẽ cảm thấy khó khăn khi chăm sóc em bé. Người phụ nữ lúc này sẽ có cảm xúc chán nản, tiêu cực, không đáp ứng những nhu cầu của con. Mối liên hệ giữa mẹ và đứa trẻ sẽ gặp vấn đề. Trẻ sẽ không cảm nhận được tình yêu thương từ phía người mẹ. Từ đó bé sẽ có khả năng gặp phải những ảnh hưởng không tốt như sau:
Những vấn đề về hành vi
Những đứa trẻ này có thể làm ra những hành vi bất thường. Một số vấn đề có thể kể đến như: rối loạn giấc ngủ, dễ bị kích động….
Những vấn đề về xã hội
Đa phần những đứa trẻ này sẽ gặp khó khăn khi đi học. Trong mối quan hệ với những bạn bè cùng lứa tuổi, bé thường e dè, thu mình hoặc có cư xử khác thường. Điều này sẽ làm cản trở sự hòa nhập xã hội của trẻ.
Những vấn đề về cảm xúc
Những đứa trẻ mà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường ít có sự tự tin, dễ lo âu và sợ hãi. Ngoài ra, bé cũng thụ động hơn những trẻ khác, tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Chậm trong phát triển nhận thức
Nhiều khả năng bé sẽ bị chậm trong phát triển về nhận thức, chậm nói, chậm đi hơn nhiều đứa trẻ khác. Ngoài ra, việc học tập ở trường của bé cũng có thể sẽ gặp khó khăn.
3. Hậu quả đối với người chồng
Tăng nguy cơ trầm cảm
Khi người mẹ bị trầm cảm, nguy cơ trầm cảm ở cha của bé cũng có thể tăng lên, đặc biệt là đối với những người lần đầu làm cha. Tuy nhiên, dấu hiệu trầm cảm sau sinh ở nam giới lại thường ít biểu lộ ra bên ngoài. Họ có xu hướng sống khép kín, dễ cáu gắt, hay gây sự, cảm thấy mệt mỏi, muốn khóc và đau đầu. Nếu không được giải tỏa tâm lý sẽ có thể dẫn đến một vài hành động tiêu cực khác.
Căng thẳng khi tiếp xúc với em bé
Trầm cảm sau sinh có thể tạo hiệu ứng, gây căng thẳng cảm xúc cho mọi người mỗi khi gần gũi với em bé mới sinh. Người bố rất có thể cảm thấy bi quan, xa lánh con.