Cứ nghĩ đặt vòng tránh thai để tránh thai an toàn nhưng nào ngờ chúng đi lạc bao năm trong ổ bụng, bàng quang và tạo sỏi.
Vòng trái thai đi lạc gần 30 năm trong bàng quang người phụ nữ Sài Gòn và hóa sỏi
Đó là trường hợp của chị Minh Hiền ngụ tại quận Phú Nhuận, TP HCM đặt vòng tránh thai từ năm 1990. Sau 5 năm chị đến một cơ sở y tế tháo vòng vì định sinh thêm con thứ 2 vào năm 1996. Khoảng 2 tháng trở lại đây, chị cảm thấy tiểu buốt khó chịu nên đi khám tại một bệnh viện, chụp X-quang phát hiện vòng tránh thai đi lạc vào ổ bụng và bàng quang, tạo sỏi.
Theo bác sĩ siêu âm cho biết, khi kiểm tra vùng bụng chậu thấy rõ trong ổ bụng chị Hiền có vòng chữ T di trú. Một phần cắm xuyên vào bàng quang, phần còn lại đi vào ổ bụng, áp vào thành bụng, tạo sỏi.
Khi kiểm tra vùng bụng chậu thấy rõ trong ổ bụng chị Hiền có vòng chữ T di trú.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nội soi ổ bụng gắp dị vật là vòng tránh thai cắm chặt vào thành bụng, kết hợp nội soi bàng quang tán sỏi bằng công nghệ laser.
Khi tán sỏi, bác sĩ phát hiện trên bàng quang bệnh nhân Hiền có 2 viên sỏi kích thước lớn, trong đó, một viên nhân sỏi là dây vòng tránh thai. Viên sỏi còn lại là một nhánh của vòng chữ T. Vì thế, trước khi kết thúc cuộc mổ, các bác sĩ đã kiểm tra kỹ lưỡng, ghép đủ bộ phận dây, phần cấu tạo chữ T của vòng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân khỏe, ổn định, nhanh chóng xuất viện.
Vòng tránh thai quá niên hạn đi lạc vào bàng quang, ổ bụng được gắp thành công.
Vòng tránh thai "lạc" trong ổ bụng bệnh nhân Quảng Ninh 30 năm
Khoa Phụ sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh những năm trước cũng tiếp nhận bệnh nhân Đinh T.T (63 tuổi), thường trú tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Khi nhập viện, cô T có dấu hiệu đau bụng phần hố chậu trái. Người này cũng cho biết, đã đặt vòng tránh thai 30 năm nay.
Qua chụp cắt lớp vi tính cho thấy có hình ảnh vòng tránh thai (Dana) lạc chỗ nằm trong cơ tử cung, vị trí thành trước đoạn eo của bệnh nhân. Sau hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán vòng tránh thai "lạc" chỗ trong ổ bụng và chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy dụng cụ tránh thai.
Bị vòng tránh thai đi vào bàng quang và tạo sỏi suốt 4 năm không hay biết
Giữa năm 2021, Bệnh viên đa khoa Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã điều trị cho bệnh nhân Chầu Thị T (30 tuổi, trú H.Lâm Bình, Tuyên Quang) bị vòng tránh thai lạc chỗ.
Khi phát hiện vòng tránh thai của chị T đã lạc vào bàng quang, dần dần hình thành sỏi bàng quang với kích thước khá lớn (5 x 6cm).
Được biết, 4 năm trước chị T có đặt vòng tại cơ sở y tế. 20 ngày sau đặt, chị T đi kiểm tra nhưng không tìm thấy trong buồng tử cung. Đến năm 2021, bị đau nhiều vùng hạ vị, đái buốt nên chị T mới đi khám thì vòng tránh thai đã lạc vào bàng quang và tạo sỏi.
Việc chị em cần làm để đảm bảo vòng tránh thai không “đi lạc”
Mặc dù các bác sĩ sản khoa cho hay, vòng tránh thai di trú là trường hợp hiếm gặp ở phụ nữ lớn tuổi thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhiều năm trước. Tuy nhiên thực tế vẫn có những trường hợp vòng tránh thai có thể di trú trong ổ bụng, cài cắm ở thành cơ tử cung, hoặc xuyên bàng quang gây thủng ruột, thủng bàng quang hoặc nằm trong quai ruột. Một số trường hợp khác vòng đi lạc trong cơ quan mạch máu vùng chậu…
Vòng tránh thai nằm trong viên sỏi bàng quang của bệnh nhân T.
Khi chị em gặp tình trạng vòng tránh thai di trú đi lạc sẽ gây ra một số biến chứng rất hiếm gặp như viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết.. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không kịp thời phát hiện, gắp bỏ dị vật.
Bởi thế các bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo, khi đặt vòng tránh thai, chị em nên tuân thủ các mốc hẹn tái khám của bác sĩ: Sau một tháng sạch kinh để kiểm tra, 3 tháng, 6 tháng kiểm tra/lần hoặc tái khám với bác sĩ sản khoa ngay nếu có triệu chứng sốt, đau bụng dưới, ra dịch tiết bất thường.