Trầm cảm sau sinh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả bà mẹ và gia đình.
Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh nguy hiểm nhưng chưa nhiều người hiểu một cách rõ ràng, toàn diện về nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị.
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Lo lắng sau sinh (baby blues) là hiện tượng khá phổ biến, xảy ra ở khoảng 80% phụ nữ sau sinh. Đó là khi mẹ cảm thấy hơi buồn, lo lắng và mệt mỏi sau khi em bé chào đời. Điều đó hoàn toàn bình thường và thường mất dần sau vài tuần.
Trong khi đó, trầm cảm sau sinh nghiêm trọng hơn nhiều và cũng kéo dài lâu hơn. Nó gây ra sự thay đổi tâm trạng nghiêm trọng, kiệt sức, tuyệt vọng ở người mẹ. Cường độ liên tục của những cảm giác đó có thể khiến mẹ cảm thấy thiếu liên kết với con, gặp khó khăn trong việc chăm con và chính bản thân mình.
Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến các bà mẹ sinh con lần đầu, mà có thể mắc bệnh này ngay cả khi người mẹ không trầm cảm ở những lần sinh đẻ trước.
Trầm cảm sau sinh khiến mẹ bị tuyệt vọng, kiệt sức và mất khả năng chăm sóc con. (Ảnh minh họa)
2. Nguyên nhân trầm cảm sau sinh
Theo Healthline, rất khó để xác định nguyên nhân cụ thể gây ra trầm cảm sau sinh vì mỗi người mẹ sẽ có những vấn đề khác nhau. Nhưng tựu chung lại, các vấn đề về thể chất và tâm lý có thể góp phần gây bệnh bao gồm:
2.1 Vấn đề về thể chất
Một trong những thay đổi lớn nhất về thể chất sau khi sinh chính là hormone. Khi mang thai, nồng độ estrogen và progesterone của mẹ sẽ cao hơn bình thường. Trong vài giờ sau khi sinh, nồng độ hormone giảm trở lại trạng thái trước đó. Sự thay đổi đột ngột này có thể dẫn đến trầm cảm.
Một số yếu tố thể chất khác có thể bao gồm:
- Nồng độ hormone tuyến giáp thấp;
- Thiếu ngủ;
- Chế độ ăn uống không đầy đủ;
- Mẹ lạm dụng ma túy và rượu.
2.2 Vấn đề về tâm lý
Mẹ có thể dễ bị trầm cảm sau sinh nếu từng có tiền sử bị rối loạn tâm trạng trong quá khứ hoặc gia đình có người từng bị trầm cảm.
Các yếu tố gây căng thẳng về cảm xúc có thể bao gồm:
- Ly hôn hoặc cái chết của người thân trong thời gian gần;
- Mẹ hoặc con có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng;
- Bị cách ly với xã hội;
- Gánh nặng tài chính;
- Thiếu sự hỗ trợ.
3. Biểu hiện trầm cảm sau sinh
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), các biểu hiện của trầm cảm sau sinh thường không rõ ràng và đôi khi chính người mẹ đang mắc bệnh cũng không nhận ra. Chính vì vậy, khi có những biểu hiện dưới đây xảy ra hầu như mỗi ngày, hầu hết thời gian trong ngày và kéo dài ít nhất là hai tuần liên tiếp, mẹ cần được đi khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.
Suy nhược cơ thể
Thực tế, có rất nhiều bà mẹ sau khi sinh con xong liền rơi vào trạng thái vô vọng, đau khổ và thậm chí là khóc lóc cả ngày mà không có bất kỳ một lý do nào cả. Đôi khi, bản thân họ cảm thấy mình không được quan tâm, bị mọi người bỏ rơi, cảm giác này kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi triền miên và suy nhược cơ thể. Đây chính là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh.
Đau cơ thể không rõ nguyên nhân
Sau sinh, bà mẹ thường có nhiều mối lo về bản thân, gia đình và con cái, nhiều người cảm thấy đau dữ dội ở cổ và đầu, lưng, ngực nhưng khi khám thì không tìm ra nguyên nhân.
Lo lắng, hoảng hốt
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con thường cảm thấy lo lắng không lý do, lo lắng thái quá về một vấn đề, đôi khi hoảng hốt với những điều có thể xảy ra hàng ngày, sau khi hoảng hốt thì rất khó để họ bình tĩnh lại. Cách tốt nhất trong trường hợp này chính là tránh để những tình huống đó xảy ra lặp lại nhiều lần.
Cảm giác buồn bã, lo lắng kéo dài có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. (Ảnh minh họa)
Bị ám ảnh
Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh con thường hay bị ám ảnh về một việc, một người hay một hành động cụ thể nào đó. Chẳng hạn như có người ám ảnh mình xấu xí, có người ám ảnh việc con sẽ gặp nạn khi mình ngủ,... Những nỗi ám ảnh có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi mà không có nguyên do. Trường hợp này, mẹ nên nói chuyện với gia đình và bác sĩ để tránh có những hành động không tốt đến con mình.
Mất tập trung
Mất tập trung cũng chính là biểu hiện trầm cảm sau sinh dễ bị bỏ qua, lúc này, người bệnh sẽ thường khó tập trung để làm một việc gì đó và cảm thấy trí nhớ kém đi, và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Dần dần họ cảm thấy bản thân rất tồi tệ.
Mất ngủ, khó ngủ
Thường người bệnh bị trầm cảm thường rất khó đi vào giấc ngủ và thường hay bị thức giấc vào giữa đêm hoặc thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được nữa. Trong trường hợp này, ngoài việc tích cực điều trị thì tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.
Không có cảm hứng tình dục
Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường sẽ bị mất hứng thú tình dục trong thời gian dài và thường sẽ khỏi nếu mẹ bị hết trầm cảm.
Ngoài ra, một vài dấu hiệu tâm lý thường gặp ở những người bị trầm cảm sau sinh con dễ nhận thấy như:
- Thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân;
- Giảm hứng thú hoạt động;
- Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm;
- Mệt mỏi, thiếu sinh lực;
- Thường nghĩ đến cái chết và tự tử.
4. Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Trầm cảm sau sinh nếu không được điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm. Mức độ của bệnh càng ngày càng nặng thì có thể gây ra rất nhiều hậu quả xấu cho cả người mẹ, em bé và gia đình.
4.1 Hậu quả đối với mẹ
Các bệnh về tim
Trầm cảm làm người mẹ tăng nguy cơ mắc vấn đề về tim như nhồi máu cơ tim hoặc suy tim. Vì các nghiên cứu đã cho thấy có sự liên kết rõ ràng giữa trầm cảm với sức khỏe tim mạch nên Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã xác định trầm cảm là một yếu tố gây ảnh hưởng xấu cho tim.
Hệ miễn dịch suy yếu
Khi bị trầm cảm, hormone gây stress đã tồn tại trong cơ thể mẹ một khoảng thời gian dài. Điều này làm cho hệ miễn dịch suy giảm. Mẹ sẽ dễ mắc phải một số bệnh khác như cảm lạnh, cúm…
Muốn tự tử
Theo thống kê những nguyên nhân tử vong mẹ sau sinh ở Anh và Úc thì tự tử là nguyên nhân hàng đầu, đặc biệt cao ở nhóm bệnh nhân rối loạn tâm thần và có dùng chất gây nghiện.
Rối loạn tâm thần
Tần suất của rối loạn tâm thần sau sinh xảy ra ở khoảng 1/500 phụ nữ, khởi phát khoảng 2-4 tuần sau sinh. Rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm suy nghĩ lẫn lộn, cảm xúc dao động thất thường, ảo giác, hoang tưởng... Hầu hết các trường hợp rối loạn tâm thần sau sinh đều liên quan đến rối loạn lưỡng cực, không phải tâm thần phân liệt.
Sát hại con mình
Đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất của trầm cảm sau sinh mức độ nặng. Những bà mẹ sinh con ngoài ý muốn, có sử dụng chất gây nghiện hoặc thù hận với bố đứa trẻ thường có hành vi này. Đặc biệt, 16-29% bà mẹ giết con mình sau đó cũng tự tử theo. Bà mẹ có thể sát hại con mình chỉ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc sau đó đến khi đứa trẻ 1 tuổi. Cần lưu ý đặc biệt những bệnh nhân từng có suy nghĩ gây tổn hại đứa trẻ, dù chỉ thoáng qua.
Đã có không ít trường hợp mẹ trầm cảm sau sinh dẫn đến sát hại con. (Ảnh minh họa)
4.2 Hậu quả đối với em bé
Gặp vấn đề về hành vi
Những đứa trẻ này có thể làm ra những hành vi bất thường. Một số vấn đề có thể kể đến như: rối loạn giấc ngủ, dễ bị kích động….
Gặp vấn đề về giao tiếp xã hội
Những đứa trẻ có mẹ bị trầm cảm sau sinh sẽ làm gia tăng nguy cơ gặp vấn đề về giao tiếp xã hội. Trong mối quan hệ với những bạn bè cùng lứa tuổi, bé thường e dè, thu mình hoặc có cư xử khác thường. Điều này sẽ làm cản trở sự hòa nhập xã hội của trẻ.
Gặp vấn đề về cảm xúc
Những đứa trẻ mà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường ít có sự tự tin, dễ lo âu và sợ hãi. Ngoài ra, bé cũng thụ động hơn những trẻ khác, tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Chậm trong phát triển nhận thức
Nhiều khả năng bé sẽ bị chậm trong phát triển về nhận thức, chậm nói, chậm đi hơn nhiều đứa trẻ khác. Ngoài ra, việc học tập ở trường của bé cũng có thể sẽ gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình như bố đứa trẻ, ông bà chăm sóc bé cũng có thể bị ảnh hưởng khi người mẹ bị trầm cảm sau sinh.
5. Cách điều trị và phòng ngừa trầm cảm sau sinh
5.1 Điều trị trầm cảm sau sinh
Có nhiều phương pháp dùng để điều trị trầm cảm sau sinh. Dựa vào tình trạng bệnh thực tế mà các bác sĩ sẽ có những chẩn đoán và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.
Ở mức độ nhẹ, mẹ sẽ được khuyên cải thiện tình trạng bằng các phương pháp: tăng cường giao tiếp, cắt giảm công việc, nghỉ ngơi, thư giãn, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, nhờ sự hỗ trợ của người thân.
Còn nếu ở mức độ nặng, mẹ sẽ phải điều trị với bác sĩ chuyên khoa bằng các phương pháp:
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Liệu pháp tâm lý: Đối với những mẹ bị trầm cảm nặng thì việc áp dụng riêng một mình liệu pháp tâm lý sẽ ít đem lại hiệu quả. Tốt nhất là phải kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc uống. Loại trị liệu này dựa trên nguyên tắc những suy nghĩ của con người cũng có thể kích hoạt trầm cảm. Mẹ bầu sẽ được hướng dẫn quản lý tốt suy nghĩ cũng như trạng thái tâm trí của mình để chúng trở nên tích cực hơn.
- Liệu pháp sốc điện (ECT): Nếu các triệu chứng của trầm cảm trở nên nghiêm trọng đến mức các phương pháp điều trị khác không hiệu quả thì có thể xem xét đến liệu pháp sốc điện. Phương pháp này thường được sử dụng cho những trường hợp mắc trầm cảm nặng, xuất hiện ảo giác và có nguy cơ tự tử cao. Tác dụng phụ có thể xảy ra là đau đầu, mất trí nhớ. Tuy nhiên, đa phần mẹ bị trầm cảm sau sinh không đến mức sẽ phải dùng liệu pháp sốc điện. Mẹ sẽ được điều trị hiệu quả bằng thuốc hay liệu pháp tâm lý.
Mẹ sau sinh cần sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình để phòng ngừa trầm cảm. (Ảnh minh họa)
5.2 Phòng ngừa trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là căn bệnh mà bất kỳ sản phụ nào cũng có thể mắc phải. Vì vậy ngay từ khi có kế hoạch sinh con, người mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:
- Chuẩn bị kế hoạch sinh nở, chăm sóc con kỹ lưỡng trừ trước ngày sinh con.
- Tìm hiểu về sự thay đổi cảm xúc của thai kỳ và sau khi sinh con, sẵn sàng đối mặt với sự thay đổi về thể chất và tâm lý.
- Hạn chế cô lập bản thân, tăng cường chia sẻ, giao tiếp với mọi người xung quanh.
- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, nhiều rau xanh, tránh xa rượu bia và các chất kích thích.
- Vận động đều đặn sau sinh, lựa chọn những bộ môn phù hợp.
- Tranh thủ ngủ nhiều khi con ngủ để hồi sức và cơ thể được nghỉ ngơi.
- Đừng ngại đi khám khi thấy bản thân có thay đổi về tâm trạng, sức khỏe.
Việc phòng ngừa trầm cảm sau sinh không chỉ cần được thực hiện từ phía người mẹ mà cả gia đình cũng cần lưu ý. Người thân nên tạo không khí vui vẻ, thường xuyên giúp đỡ, trò chuyện và chia sẻ gánh nặng chăm sóc em bé mới sinh với người mẹ mới sinh.