Bé sơ sinh chào đời có cân nặng khủng 6kg, bằng em bé 3-4 tháng tuổi

Thảo Nguyên - Ngày 28/02/2023 08:50 AM (GMT+7)

Cân nặng của bé gái sơ sinh này được nhiều mẹ bỉm cho rằng bằng con sơ sinh của họ nuôi 3-4 tháng.

Mới đây, bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết, các bác sĩ khoa sản vừa mổ đẻ thành công, đón bé gái sơ sinh nặng 6kg. Đây là con gái của sản phụ Trần Thị H. (36 tuổi, trú xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh). Được biết, đây là con thứ 3 của vợ chồng chị H.

Theo chị H. cho biết, sáng 25/2, chị Trần Thị H. chuyển dạ, được người nhà đưa đến khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán thai to hơn bình thường. Trong khi đó, sản phụ lại có 2 vết mổ đẻ cũ từ những lần sinh trước. Do đó, các bác sĩ chỉ định sản phụ mổ đẻ cấp cứu. Ca mổ đẻ đã thành công khi bé gái chào đời với cân nặng đến 6kg, da hồng hào, khóc to. Hiện sức khỏe của 2 mẹ con sản phụ đều có sức khỏe ổn định.

Bé gái sơ sinh nặng 6kg vừa chào đời.

Bé gái sơ sinh nặng 6kg vừa chào đời. 

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Thọ - Trưởng khoa Sản bệnh viện này cho biết, những sản phụ có thai to hơn bình thường trong quá trình mang bầu sẽ có nhiều nguy cơ phải đối mặt như: vỡ tử cung, khi mổ có thể dễ chảy máu tử cung. Ngay cả em bé sau sinh cũng dễ bị hạ đường huyết hoặc bị rối loạn chuyển hóa.

Mẹ bầu thai to quá phải làm sao?

Khi thai phụ tăng cân nhiều và thai nhi to, cần lưu ý:

- Trước sinh cần khám thai định kỳ, theo dõi sát sức khỏe mẹ và bé. Theo dõi đường huyết, huyết áp, đo tim thai, các dấu hiệu như phù, tăng huyết áp, xét nghiệm nước tiểu. Cần tới bệnh viện ngay khi nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tăng cân hơn 1kg/1 tuần.

- Chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều rau, hạn chế ăn nhiều đường và tinh bột, tập các vận động nhẹ nhàng.

- Cần khám chuyên khoa Tim mạch 3 tuần sau sinh và chuyên khoa Nội tiết 4 - 6 tuần sau sinh.

3 tháng giữa thai kỳ là thời kỳ phát triển mạnh của thai nhi, thai phụ cần:

- Tầm soát dị tật thai nhi toàn diện bằng kỹ thuật siêu âm 4D vượt trội.

- Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

- Kiểm soát cân nặng của mẹ hợp lý để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.

- Hiểu rõ dấu hiệu dọa sinh sớm (đặc biệt ở những người mang đa thai hoặc có tiền sử sảy thai, sinh non) để được điều trị giữ thai kịp thời.

Để bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên thăm khám và theo dõi tình trạng sức khỏe định kỳ với các bác sĩ Sản khoa, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, tầm soát quan trọng cho sản phụ để nhận được tư vấn và can thiệp kịp thời khi phát hiện những bất thường trong sức khỏe của mẹ và bé.

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu