Rạng sáng ngày 17/5, sản phụ Ninh Bình đã lên bàn mổ đẻ. Ít phút sau đó, 1 bé trai đã chào đời an toàn mặc dù bị dây rốn quấn 5 vòng quanh cổ.
Sáng nay 17/5/2023, một sản phụ sinh năm 1996 sinh sống tại Ninh Bình đã sinh con trai đầu lòng an toàn dù bị 5 vòng dây rốn quấn cổ.
Được biết, khi mang thai, sản phụ này bị dọa sảy ra máu nhiều từ tuần thứ 6 thai kỳ và được bác sĩ Nguyễn Văn Thư - Bác sĩ khoa đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám và theo dõi thai.
Bé trai đã chào đời an toàn mặc dù bị dây rốn quấn 5 vòng cổ. (Ảnh: BSCC)
Từ tuần 23 của thai kỳ, thai phụ này còn bị tiểu đường thai kì. Cho tới tuần 28-29 qua thăm khám, bác sĩ phát hiện thai nhi bị rau quấn cổ 2 vòng. Những tuần tiếp theo, thai nhi tiếp tục bị rau quấn cổ thêm 2 vòng nữa. Đến tuần thứ 37, qua siêu âm lại phát hiện thấy dâu rốn quấn cổ 5 vòng. Tim thai dao động có những lúc kém.
Chính bởi thế, thai phụ Ninh Bình đã được bác sĩ chỉ định cho nhập viện và mổ lấy thai vào rạng sáng ngày 17/5. Bé trai chào đời nặng 2,5kg, bé khóc tốt. Hiện tại 2 mẹ con sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Thư, khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng, lúc sản phụ chuyển dạ sẽ gây cản trở sự di chuyển của đầu em bé lọt qua khung chậu người mẹ. Trong cơn co tử cung sẽ làm cản trở máu từ bánh rau tới nuôi dưỡng thai, vì vậy tim thai sẽ có những dấu hiệu cảnh báo thai suy.
Bé trai chào đời nặng 2,5kg, khóc tốt. Hiện tại 2 mẹ con sức khỏe ổn định. (Ảnh: NVCC)
Vị bác sĩ sản phụ khoa này cũng cho hay, dây rốn quấn cổ nhiều vòng thường là do dây rốn dài. Hơn nữa, vào những tháng cuối khi thai quay đầu xuống phía xương vệ của người mẹ, dây rốn dài cộng với sự quay đầu của thai sẽ dễ làm dây rốn quấn vào cổ.
Ngoài ra, lượng nước ối nhiều và sự vận động nhiều của người mẹ thường có xu hướng làm đầu thai nhi tì xuống xương vệ nhiều hơn dẫn tới dây rốn quấn nhiều vòng hơn.
Bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng khuyên các mẹ bầu nếu bị dây rốn quấn cổ thai nhi cũng không cần quá lo lắng. Nhất là khi dây rốn quấn cổ 1-2 vòng thì thường gặp và không ảnh hưởng nhiều tới mẹ và thai nhi. Tuy nhiên cần lưu ý nếu dây rốn quấn nhiều vòng có thể ảnh hưởng tới quá trình nuôi dưỡng tới thai hoặc cản trở quá trình chuyển dạ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thư - Bác sĩ khoa đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đỡ đẻ cho sản phụ. (Ảnh: BSCC)
“Khi phát hiện dây rốn quấn cổ, các mẹ bầu cứ theo dõi thai bình thường dưới sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sản, thăm khám định kì và bác sĩ sẽ là người đưa ra phương án chấm dứt thai kì ở thời điểm phù hợp và có lợi nhất cho thai nhi để mẹ bầu vượt cạn an toàn nhất và thai nhi khỏe mạnh nhất”, bác sĩ Thư khuyến cáo.
Cách phát hiện ra thai nhi bị dây rốn quấn cổ
Dây rốn quấn cổ được phát hiện chủ yếu khi đi siêu âm thai vì gần như dây rốn không có dấu hiệu gì biểu hiện ra bên ngoài. Đôi khi có thể thông qua hiện tượng thai máy ít đi hoặc thai máy nhiều hơn so với bình thường, mà người mẹ có thể cảm nhận được và đi khám.
Dây rốn quấn cổ thường gặp vào tháng thứ 4 của thai kỳ.