Cứu thai phụ bị bánh nhau xâm lấn xuyên tử cung

Ngày 19/06/2023 20:00 PM (GMT+7)

Thai phụ sinh con lần thứ 4 và phát hiện nhau tiền đạo từ tuần 16 thai kỳ. Vì mong muốn giữ được thai nhi nên các bác sĩ đã nỗ lực kéo dài thời gian dưỡng thai.

Ngày 19-6, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Khoa Sản - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), cho biết các bác sĩ tại đây vừa kịp thời cứu 2 mẹ con chị N.N.T (38 tuổi, ngụ TP HCM) bị nhau cài răng lược thể nặng.

Chị N. nhập viện trong tình trạng chảy máu âm đạo khi thai ở tuần 32,5. Tại bệnh viện, qua thăm khám và kiểm tra, bác sĩ ghi nhận chị bị nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược thể Percreta – thể nặng nhất. Bánh nhau xâm lấn xuyên qua cơ tử cung vào lớp thanh mạc tử cung.

Ca phẫu thuật thành công khi đã cứu được thai nhi và bảo tồn tử cung cho thai phụ. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Ca phẫu thuật thành công khi đã cứu được thai nhi và bảo tồn tử cung cho thai phụ. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

"Đây là thể ít phổ biến nhất nhưng nghiêm trọng nhất, gây mất máu nặng, nguy hiểm tính mạng người mẹ và sinh non hoặc chấm dứt thai kỳ đối với thai nhi. Trong trường hợp của sản phụ này, bánh nhau xâm lấn xuyên qua cơ tử cung vào lớp thanh mạc tử cung, rất có thể gây băng huyết nặng, nguy cơ suy đa tạng, nguy hiểm tính mạng và đa số trường hợp phải cắt tử cung" – bác sĩ Huyền phân tích.

Chị N. được tiêm thuốc hỗ trợ phổi nhằm dự phòng tình trạng suy hô hấp của thai nhi khi có nguy cơ sinh non. Các bác sĩ sản khoa đã hội chẩn liên chuyên khoa, lên kế hoạch can thiệp nội mạch trong lúc mổ lấy thai nhằm hạn chế mất máu. 

Cuộc phẫu thuật diễn ra vào tuần thứ 33,5 của thai kỳ. Bác sĩ đã mổ lấy bé trai nặng 2.400 gr kết hợp đặt bóng chèn động mạch chậu trong lúc mổ. Do đó, lượng máu mất chỉ bằng một nửa so với các ca mổ nhau cài răng lược nặng trước đây, quan trọng nhất là bảo tồn được tử cung cho thai phụ. 

Sau phẫu thuật, sức khỏe chị N. hồi phục tốt. Riêng bé trai do sinh non tháng, suy hô hấp, nhiễm trùng, vàng da, ống động mạch có đường kính ống to ảnh hưởng tới tuần hoàn máu, thông liên nhĩ nên các bác sĩ tiến hành đóng thành công ống động mạch bằng thuốc. Sau 20 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bé cải thiện và được xuất viện về nhà cùng mẹ.

TS-BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản - Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết nhau thai là bộ phận phát triển bên trong tử cung làm nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng, oxy… nuôi dưỡng bào thai được kết nối qua dây rốn. Khi em bé được sinh ra thì chức năng của nhau thai cũng chấm dứt, đồng nghĩa với việc nó sẽ phải được đào thải hết ra ngoài cơ thể.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nhau thai không tự bong ra một cách tự nhiên mà dính chặt trên thành tử cung - được gọi là nhau cài răng lược. Những ca phẫu thuật như vậy thường gây chảy máu không thể cầm, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như băng huyết sau sinh phải truyền một lượng máu lớn, khoảng 5 lít, đe dọa tính mạng người mẹ và có khả năng phải cắt bỏ tử cung để cầm máu.

"Trong trường hợp này là sự phối hợp của Xquang can thiệp với kỹ thuật đặt bóng chèn động mạch chậu đã giúp cho bác sĩ sản khoa mổ nhẹ nhàng, giúp thai phụ ít mất máu và giữ được tử cung. Vai trò của Khoa Bệnh lý sơ sinh cũng rất quan trọng, khi đã điều trị thành công cho trẻ non tháng có bệnh tim bẩm sinh" – bác sĩ Thương nhận xét.

Bác sĩ Thương lưu ý, một trong những cách giảm nguy cơ mắc phải nhau cài răng lược ở những lần mang thai sau là thai phụ nên sinh ngả âm đạo thay vì sinh mổ nếu không có chỉ định. Bên cạnh đó, ngừa thai hiệu quả; sinh đẻ có kế hoạch; không nạo, hút thai; không sinh quá nhiều con. Sau mỗi lần sinh, tử cung sẽ yếu dần, tăng nguy cơ mắc bệnh, vì vậy cần khám thai định kỳ, siêu âm phát hiện sớm nhau cài răng lược.

Hồ Bích Trâm đi đẻ run cầm cập, chỉ sợ mình chết khi gây tê, tiết lộ sẽ sinh thêm em bé
Thời điểm vào phòng đẻ, lần đầu tiên thấy phòng đẻ rộng thênh thang và lạnh lẽo như trong phim nên Hồ Bích Trâm nằm đó mà run sợ.

Chat với mẹ bỉm sữa

Hải Yến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai biến sản khoa