Vợ mang song thai, anh Thái vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, khi hai con chào đời nhìn bề ngoài lại không giống nhau và sự thật đã được phơi bày sau khi xét nghiệm ADN.
Anh Nguyễn Quốc Thái (34 tuổi, ở một tỉnh gần Hà Nội), do làm công việc đặc thù nên thường xuyên phải công tác xa nhà. Hơn 4 năm trước, anh Thái lập gia đình, sau đó gần một năm vợ anh là chị Thu Huyền đã có tin vui. Biết tin, anh Thái rất hạnh phúc. Niềm vui còn được nhân đôi khi vợ anh thông báo mang song thai.
Thời gian vợ mang bầu, anh Thái cũng chỉ tranh thủ về chăm vợ trong những ngày nghỉ phép ít ỏi. Thương vợ, nhưng vì công việc, hai vợ chồng đành chấp nhận. May mắn, vợ anh rất thông cảm cho công việc của chồng, động viên chồng yên tâm công tác.
Sau 9 tháng mang bầu, chị Huyền hạ sinh 2 bé gái kháu khỉnh. Khi đó, anh Thái cũng chỉ xin nghỉ phép được 15 ngày về chăm sóc vợ. Những ngày tháng sau đó, vợ anh và bà ngoại thay nhau chăm sóc hai đứa con thơ. Khi hai con được gần 2 tuổi, anh Thái đã xin về công tác ở gần nhà để ở bên vợ con nhiều hơn. Thời gian chăm con nhiều và chứng kiến con lớn lên từng ngày, anh Thái nhận thấy hai con có nhiều điểm khác biệt.
Khi thấy hai con sinh đôi có nhiều khác biệt, người đàn ông đi xét nghiệm ADN, phát hiện sự thật bất ngờ. Ảnh minh họa.
Mang nỗi suy tư này tâm sự với người bạn làm trong ngành y tế, anh Thái nhận được lời giải thích rằng: “Do hai bé sinh đôi khác trứng nên sẽ không giống nhau”. Dù vậy, người đàn ông này vẫn lo lắng vì qua khuôn mặt anh nhận thấy, một bé giống anh, một bé lại “na ná” khuôn mặt người yêu cũ của vợ. Cuối cùng, anh Thái quyết định cắt móng tay của hai con đi xét nghiệm ADN.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, một bé cùng huyết thống với anh, bé còn lại không phải con anh. Cầm kết quả trên tay, anh Thái không tin vào mắt mình. Khi bình tĩnh lại, anh tự trách bản thân vì một phần lỗi do mình không có nhiều thời gian bên vợ.
Đại tá Hà Quốc Khanh, Cố vấn cao cấp Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền (Gentis) cho biết, trường hợp sinh đôi tự nhiên khác trứng, khác tinh trùng như của anh Thái là rất hiếm gặp, không chỉ hiếm ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Trước đó, tại Việt Nam từng ghi nhận trường hợp như vậy. Trên thế giới, cũng có trường hợp sinh đôi khác bố khi một bé da trắng, một bé da đen. Theo đại tá Khanh, đây là hiện tượng “siêu thụ tinh”, khi mà hai quả trứng của người mẹ được thụ tinh bởi hai tinh trùng của 2 người đàn ông khác nhau, trong một khoảng thời gian nhất định.
Đại tá Hà Quốc Khanh cho biết, việc mang song thai nhưng của hai người bố khác nhau là rất hiếm gặp. Ảnh: Lê Phương.
Nguyên nhân dẫn đến trường hợp này là do người phụ trong khoảng thời gian rụng trứng có quan hệ với chồng và với một người đàn ông khác. Cụ thể hơn, một quả trứng rụng khi quan hệ với chồng và quả trứng thứ hai rụng và được thụ tinh khi người phụ nữ thân mật với người đàn ông khác nên dẫn tới hiện tượng sinh đôi khác bố.
Đồng tình với ý kiến trên, BS Lê Thị Kim Dung (nguyên Trưởng khoa sản BV Nông Nghiệp) cho biết, dù đây là hiện tượng hiếm gặp, nhưng về khoa học vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Theo bác sĩ Dung, thông thường mỗi chu kỳ kinh nguyệt chỉ có một quả trứng duy nhất được phóng noãn (rụng trứng). Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, khi rụng trên 1 quả trứng trong một chu kỳ, nếu được thụ tinh sẽ hình thành cặp sinh đôi khác trứng.
Tuy nhiên, trong chu kỳ rụng trứng, nếu người phụ nữ quan hệ với 2 người đàn ông khác nhau, khi đó mỗi trứng có thể được thụ tinh bởi một người đàn ông khác nhau, dẫn đến sinh đôi khác bố. Để có thể thụ tinh được như vậy, bác sĩ Dung cho rằng, thời gian quan hệ với hai người khác nhau chỉ cách nhau vài ngày.
Khi một cặp sinh đôi có sự nghi ngờ về huyết thống, để xác định được chính xác nhất thì cần xét nghiệm ADN. Các chuyên gia cũng đều cho rằng, hiện tượng này rất hiếm gặp trên thế giới.