Do quyết tâm sinh thường nên mẹ trẻ sinh khó vẫn kiên trì chịu đau 15 tiếng để đặt bóng kích sinh khiến ca đẻ nổi tiếng cả khoa sản vì “hành” bác sĩ và êkíp trực cả đêm.
Sản phụ 40 tuần không có dấu hiệu chuyển dạ nên quyết đặt bóng kích sinh
1 tuần sau khi sinh con so đầu lòng, sản phụ Nhật Anh ở Vân Đình, Hà Nội vẫn nhớ mãi cuộc vượt cạn đầy vất vả của mình.
Chị Nhật Anh cho biết khi thai tròn 40 tuần nhưng không có dấu hiệu chuyển dạ nên vợ chồng chị vội vàng vào khoa Phụ Sản 2, Tầng 5, Nhà C, Bệnh viện Thanh Nhàn. Hôm ấy cũng đúng ngày dự sinh của mẹ bỉm này nữa.
Lên đến viện, chị Nhật Anh mong muốn sinh thường nên được bác sĩ tư vấn đặt bóng kích chuyển dạ. Để sản phụ hiểu rõ về phương pháp này, bác sĩ đã tư vấn rất kỹ càng và thực tế.
Chị Nhật Anh bên con mới sinh. (Ảnh: NVCC)
“Bác sĩ nói rõ ràng, mục tiêu của khởi phát chuyển dạ là làm cho cổ tử cung mở ra một cách cơ học. Tuy nhiên đôi khi sẽ bắt đầu chuyển dạ một cách tự nhiên hoặc nó có thể chỉ đơn giản là làm cho cổ tử cung thuận lợi hơn trong việc sử dụng các thuốc kích thích cơn gò hoặc làm vỡ ối.
Ưu điểm lớn nhất của biện pháp này là thủ thuật an toàn và hiệu quả, không phải can thiệp dùng thuốc, thường dẫn gây xóa mở cổ tử cung và sinh trong vòng 24 giờ. Nhưng bác sĩ cũng nói nhược điểm có thể khởi phát chuyển dạ thất bại, đau khi thực hiện và nguy cơ biến chứng nhẹ...”, chị Nhật Anh kể cụ thể.
Do biết đặt bóng có tỉ lệ sinh thường khoảng 70% và phải kiên trì, chịu đau gấp 2 lần sản phụ chuyển dạ bình thường nên chị Nhật Anh quyết tâm đẻ thường. Bản thân mẹ bầu ở Vân Đình cũng tự tin nghĩ, chắc sẽ đơn giản, không bao giờ bản thân đen đến nỗi đặt bóng kích sinh xong vẫn phải mổ đẻ.
Do biết đặt bóng có tỉ lệ sinh thường khoảng 70% nên chị Nhật Anh kiên trì, chịu đau gấp 2 lần sản phụ chuyển dạ bình thường. (Ảnh: NVCC)
15 tiếng kiên trì chịu đau để đẻ thường trong đêm, ca đẻ nổi tiếng khoa sản
Chị Nhật Anh cho biết, 10h sáng hôm ấy sản phụ này tiến hành bắt đầu đặt bóng. Suốt quá trình đó bụng đau âm ỉ đến 17h chiều thì bác sĩ lấy bóng ra. Cả quá trình này cổ tử cung của chị Nhật Anh từ 0 phân mở được 2 phân vì cổ tử cung của chị rất cứng.
Đến 17h30 chị Nhật Anh được bác sĩ cho vào phòng chờ đẻ. Khi ấy bác sĩ cũng trấn an trước trường hợp của chị là con so, cổ tử cung lại cứng nên rất khó sinh, sớm nhất cũng phải đến 23h đêm mới sinh được.
“Em đợi mãi mà ối không vỡ nên tiếp tục phải bấm ối. Cơn đau ngày một nhiều hơn và em đau quằn quại chờ đến 23h đêm nhưng cổ tử cung chỉ mở được 6 phân. Các bác sĩ rất tâm lý đã cho người nhà và cho chồng em vào phòng đẻ để động viên vợ. Chồng thấy em đau quá cũng khuyên nếu vợ không chịu được nữa mà muốn sinh trong ngày hôm đó thì mổ đẻ luôn. Nhưng em vẫn lì lợm đợi thêm đến 12h đêm.
Gia đình nhỏ nhà chị Nhật Anh. (Ảnh: NVCC)
Đến 00h15 phút, em thực sự đã kiệt sức vì cả ngày đau ăn được mỗi bát cháo. Đến bác sĩ cũng khuyên nếu không cố được thì cho em mổ đẻ. Lúc ấy em vẫn cố gắng vì thực sự rất buồn, tiếc công sức đau đẻ bỏ ra từ sáng đến tận đêm mà không được phải mổ”, chị Nhật Anh kể lại quá trình gian nan đau đẻ của mình.
Cứ thế sản phụ Vân Đình này tiếp tục cố gắng chịu đau và ngủ thiếp đi được 1 lúc. Chị chỉ tỉnh dậy khi bác sĩ vào đánh thức: “Đẻ thôi, cổ tử cung mở hết rồi. Lúc ấy là 1h sáng. Em nghe bác sĩ nói xong mà hết mệt luôn, chỉ muốn được dặn đẻ thật nhanh. Và 1h22 phút em đã vượt cạn thành công, con sinh ra được 3,2kg ạ”.
Chia sẻ về quá trình đặt bóng kích sinh và chịu đau chuyển dạ suốt 15 tiếng của mình, mẹ bỉm cười nói: “Ca sinh thường của em nổi tiếng cả khoa sản đêm đó vì sinh khó nên 2 mẹ con em hành các bác sĩ và ê kíp đỡ đẻ chờ trực trong mệt mỏi. Thực sự em rất biết ơn các bác sĩ và ê kíp đỡ đẻ, cả các em sinh viên túc trực ca đẻ khó đỡ của mẹ con em hôm ấy”.
Đặc biệt, sản phụ này cho biết dù trải qua ca sinh khó nhưng chị và người nhà rất hài lòng với dịch vụ chăm sóc, khám chữa tại khoa phụ sản 2 vì mọi thứ rất tốt, sạch sẽ, các bác sĩ có chuyên môn cao, nhẹ nhàng thăm khám, quan tâm tới các sản phụ từ lúc làm hồ sơ sinh cho đến khi ra viện.