Thai phụ Hà Nội vừa sinh con chưa kịp vui mừng bất ngờ máu âm đạo chảy thành dòng nguy kịch

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/12/2022 11:30 AM (GMT+7)

Sau khi có dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ đã được gia đình đưa đi cấp cứu và có chỉ định mổ cấp cứu. Ngay sau đó, tình trạng máy chảy quá nhiều nên đã chuyển tới bệnh viện tuyến trên.

ThS, BSCK II Nguyễn Xuân Hải - Trưởng khoa Phụ nội tiết A1 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu cho một sản phụ được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng băng huyết nguy kịch sau mổ lấy thai.

Theo đó, sản phụ này năm nay 37 tuổi, mang thai lần 3 và đã đăng ký dự sinh tại BV Phụ sản Hà Nội. Tuy nhiên, do cơn chuyển dạ tới nhanh, gia đình đã đưa sản phụ tới cơ sở y tế gần nhà nhất sinh con.

Tại đây, sau khi tiếp nhận do thai phụ có dấu hiệu suy thai, các bác sĩ tại cơ sở tuyến dưới đã chỉ định mổ lấy thai. Sau sinh mổ, sản phụ xuất hiện chảy máu âm đạo liên tục, được cơ sở tuyến dưới chuyển tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Khi nhập viện bệnh nhân ở trong tình trạng da niêm mạc trắng nhợt, mạch 130 lần/phút, âm đạo chảy nhiều máu loãng, vết mổ thành bụng chảy máu thành dòng. Siêu âm cho thấy chảy máu, tụ máu tại thành bụng kèm tình trạng đờ tử cung nên các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật.

Sau phụ sau khi được cấp cứu đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Ảnh mang tính minh họa.

Sau phụ sau khi được cấp cứu đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Ảnh mang tính minh họa.

Bác sĩ Xuân Hải cho biết, trong cuộc phẫu thuật tình trạng sản phụ rất nặng, thành bụng có khoảng 200ml máu, cơ thẳng bụng 2 bên dập nát, có điểm chảy máu thành tia, khâu cầm máu khó khăn.

Trong ổ bụng có 400ml máu sẫm, tử cung co kém, mất trương lực, trắng nhợt; dây chằng rộng bên trái có khối tụ máu đường kính 8cm lan tới thành chậu. Trong suốt 3 giờ đồng hồ phẫu thuật rất căng thẳng, các bác sĩ chú ý từng chi tiết nhỏ nhất. Sau khi khâu cầm máu và truyền tổng 5500ml (5 lít rưỡi) máu và chế phẩm, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện. 2 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe.

Các bác sĩ cho biết, hiện tượng máu chảy hơn 500ml ở trường hợp sinh thường và nhiều hơn 1000ml đối với trường hợp sinh mổ được gọi là băng huyết sau sinh hay băng huyết. Lượng máu chảy có thể đột ngột, ồ ạt hoặc từ từ tùy theo mỗi trường hợp bệnh khác nhau.

Băng huyết sau sinh được chia làm 2 loại đó là nguyên phát và thứ phát:

- Băng huyết nguyên phát: Là những trường hợp thai phụ bị băng huyết trong thời gian khoảng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh con.

- Băng huyết thứ phát: Là những trường hợp thai phụ bị băng huyết trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 12 tuần đầu sau sinh.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị băng huyết sau sinh bao gồm:

- Thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi).

- Thai phụ thừa cân, béo phì.

- Những thai phụ mắc bệnh nền, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh lý về máu,...

- Những thai phụ đã từng bị băng huyết.

- Ngoài ra còn có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh, chẳng hạn như chuyển dạ kéo dài, tử cung quá căng do thai to hoặc đa thai, cắt tầng sinh môn, nhiễm trùng ối,…

Nếu mẹ bầu có những yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ theo dõi thận trọng hơn để kịp thời xử trí những vấn đề bất thường có thể xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp dù không có yếu tố nguy cơ nhưng vẫn không may xảy ra tình trạng băng huyết sau sinh.

Để phòng ngừa tình trạng băng huyết sau sinh, mẹ bầu cần lưu ý:

- Thực hiện khám thai định kỳ.

- Thực hiện các loại siêu âm, xét nghiệm cần thiết để nhận biết sớm những bất thường ở thai nhi và mẹ bầu.

- Bổ sung sắt và axit folic đầy đủ để phòng tránh tình trạng thiếu máu.

- Mẹ bầu nên có chế độ ăn đa dạng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất và nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng.

- Trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng bất thường chẳng hạn như tình trạng đau đầu, hoa mắt, khó thở, xuất huyết âm đạo, ra nước âm đạo,… cần đến ngay các cơ sở y tế để được chuyên gia thăm khám và điều trị sớm để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Vì sao nhiều mẹ bầu khi khám thai bác sĩ chỉ định phải sinh thiết gai nhau?
Thông thường, trong quá trình thăm khám thai định kỳ hoặc thực hiện các xét nghiệm, thai nhi được chẩn đoán có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh di truyền như bệnh máu không đông..., sẽ được chỉ định sinh thiết này.

Mang thai 3-6 tháng

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Băng huyết sau sinh