Mổ đẻ lần 3, người phụ nữ 38 tuổi bị băng huyết, nguy hiểm tính mạng

Ngày 24/03/2023 21:28 PM (GMT+7)

Người bệnh nhập viện trong tình trạng da xanh niêm mạc nhợt, mạch 120 lần/phút, huyết áp 60/40mmHg, tử cung co kém và to trên rốn, vết mổ băng thấm dịch, âm đạo ra máu cục.

Sản phụ nguy kịch vì băng huyết sau sinh

Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, vừa qua, các bác sĩ đơn vị này đã cấp cứu thành công một sản phụ bị băng huyết sau mổ lấy thai tại một cơ sở y tế.

Cụ thể, mang thai lần 3, sản phụ N.T.L.N (38 tuổi) sinh mổ tại một cơ sở y tế với tình trạng rau tiền đạo, tiền sử mổ đẻ cũ 2 lần. Sau sinh, sản phụ xuất hiện chảy máu âm đạo liên tục, ra 1000ml máu âm đạo.

Mặc dù đã được truyền 1050 ml hồng cầu khối, 500ml plasma và 500ml Cryo nhưng tình trạng không cải thiện nên sản phụ được chuyển tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cấp cứu.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng da xanh niêm mạc nhợt, mạch 120 lần/phút, huyết áp 60/40mmHg, tử cung co kém và to trên rốn, vết mổ băng thấm dịch, âm đạo ra máu cục.

Sản phụ được chẩn đoán sốc mất máu do đờ tử cung sau mổ lấy thai giờ thứ 5. Siêu âm cho thấy buồng tử cung vị trí đoạn dưới có khối máu tụ 7x10 cm.

Hiện tại, sức khỏe của sản phụ đã hồi phục hoàn toàn. Ảnh BVCC

Hiện tại, sức khỏe của sản phụ đã hồi phục hoàn toàn. Ảnh BVCC

Trước tình hình nguy cấp, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật. TS.BS Đỗ Tuấn Đạt, Trưởng khoa Sản bệnh A4 – người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, ghi nhận trong cuộc phẫu thuật, tình trạng của người bệnh rất nặng: Tử cung dính một phần mặt trước vào thành bụng, bàng quang treo cao sát vết khâu cơ tử cung. Tử cung mềm, co kém, tách đẩy bàng quang xuống thấp bộc lộ đoạn dưới tử cung. Quan sát thấy đoạn dưới tử cung phồng to, tăng sinh nhiều mạch máu, xoang mạch dạng rau cài răng lược.

Bác sĩ tiến hành mở vết mổ cơ tử cung lấy ra 500g máu cục, quan sát thấy diện rau bám chảy máu nhiều đến sát lỗ trong cổ tử cung, tiến hành khâu cầm máu. Trong suốt quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải tập trung cao độ, chú ý từng chi tiết nhỏ nhất.

Sau khi khâu cầm máu và truyền 3150ml hồng cầu khối nhóm máu O RH(+), 1000ml plasma, 500ml Cryo, 300 ml tiểu cầu, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện. Hiện tại, bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe hoàn toàn.

Băng huyết sau sinh là gì?

Theo các bác sĩ, băng huyết sau sinh là tình trạng máu chảy trên 500 ml đối với sinh đường âm đạo hoặc trên 1.000 ml đối với mổ lấy thai.

Băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ. Khi cơ thể mất máu quá nhiều có thể dẫn đến ngừng tim, suy đa tạng, chết não,…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm hơn 14 triệu phụ nữ trên toàn thế giới bị hiện tượng băng huyết sau sinh thường/mổ. Trong khoảng 515.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở, số người bị băng huyết sau sinh lên tới hơn 100.000 người.

Tất cả phụ nữ mang thai ngoài 20 tuần đều có nguy cơ chảy máu sau sinh. Mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm đáng kể ở các nước phát triển, nhưng băng huyết vẫn là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu ở những khu vực khác (các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển).

Để phòng ngừa băng huyết sau sinh, các chuyên gia khuyến cáo, sản phụ và người nhà cần tuân thủ các nguyên tắc: Theo dõi thai sản định kỳ, đúng hẹn ở bệnh viện có chuyên khoa sản; thực hiện làm các xét nghiệm, siêu âm để tầm soát dị tật và các bất thường nếu có; không nên tự ý dùng thuốc phá thai, nạo thai tại nhà hay những cơ sở không đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, có chế độ dinh dưỡng đúng, đủ. Bổ sung canxi, sắt aci folic để ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt. Đồng thời, rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi…

Con vừa chào đời, tử cung của sản phụ bỗng lộn ngược khiến cô đau đớn dữ dội
Sau 6 giờ chịu trận với cơn đau chuyển dạ, con trai của Vesna đã chào đời. Nhưng ngay sau đó, người phụ nữ này đột nhiên xuất hiện cơn đau dữ dội.

Tai biến sản khoa

N.Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu