Truyền 28 đơn vị máu cứu sống sản phụ nguy kịch do băng huyết sau sinh

Ngày 30/03/2023 20:00 PM (GMT+7)

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật cấp cứu và truyền 28 đơn vị máu cứu sống một sản phụ rất nguy kịch do đờ tử cung, băng huyết nặng.

Bệnh nhân là sản phụ Đ.T.M.T. (25 tuổi, cư trú tại xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) sinh mổ lần 2 tại một cơ sở y tế. Sau sinh, sản phụ xuất hiện chảy máu âm đạo liên tục, ồ ạt với khối lượng nhiều (khoảng 3.000 ml máu đỏ tươi). Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trong tình trạng rất nguy kịch, hôn mê, có các biểu hiện của sốc giảm thể tích, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, bụng chướng căng, vết mổ máu thấm băng, vận mạch dùng liều rất cao, thở bóp bóng qua nội khí quản. Kíp trực đã nhanh chóng chỉ định dùng thuốc tăng co, cầm máu, tuy nhiên không đáp ứng.

Bệnh nhân Đ.T.M.T được truyền máu và chăm sóc đặc biệt sau phẫu thuật tại khoa Gây mê hồi sức

Bệnh nhân Đ.T.M.T được truyền máu và chăm sóc đặc biệt sau phẫu thuật tại khoa Gây mê hồi sức

Nhận định, đây là một tai biến sản khoa nguy hiểm, bệnh nhân diễn biến nhanh, phức tạp và có thể tử vong ngay lập tức nếu không được phẫu thuật cầm máu và truyền bổ sung máu kịp thời. Các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu chuyển thẳng bệnh nhân về phòng mổ cấp cứu của khoa Gây mê hồi sức, đồng thời ê kíp các bác sĩ thuộc các chuyên khoa Cấp cứu, Ngoại ổ bụng, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu khẩn trương hội chẩn phẫu thuật.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Hồng – Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Trưởng kíp gây mê phẫu thuật, điều trị và hồi sức tích cực sau mổ cho biết: "Đây là một trường hợp băng huyết rất nặng, bệnh nhân mất gần 2/3 lượng máu, trụy tim mạch, suy hô hấp cấp. Lúc chuyển vào chúng tôi đã hội chẩn và tiên lượng vô cùng xấu, khả năng tử vong cao. 

Ê kíp các bác sĩ vừa tiến hành cắt toàn bộ tử cung, khâu cầm máu, đồng thời thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu, truyền máu và các chế phẩm máu cho bệnh nhân để nhanh chóng bù lại khối lượng máu đã mất. Máu được huy động khẩn cấp từ Ngân hàng máu của Trung tâm Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá và từ người hiến tiểu cầu để truyền cho sản phụ. 

Trong vòng 12 giờ trước, trong và sau ca mổ, bệnh nhân được truyền tổng cộng 28 đơn vị máu (gần 7 lít) gồm máu và các chế phẩm máu. Đây là một trong số những ca bệnh truyền số lượng máu cấp cứu nhiều nhất tại bệnh viện đến thời điểm hiện tại."

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân Đ.T.M.T sau phẫu thuật

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân Đ.T.M.T sau phẫu thuật

Sau mổ, bệnh nhân vẫn còn rất nguy kịch, với tình trạng sốc mất máu, rối loạn đông máu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, ống nội khí quản, xông dạ dày và xông dẫn lưu ổ bụng đều có máu đỏ tươi. Bệnh nhân phải đối điện với rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy hiểm nhất là nguy cơ xuất huyết não do rối loạn đông máu hoặc tổn thương tế bào não do thiếu oxy.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân, kíp bác sĩ hồi sức sau mổ của khoa Gây mê hồi sức đã theo dõi rất chặt chẽ, tiếp tục hồi sức tích cực cho bệnh nhân, đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, truyền máu, huyết tương, sử dụng thuốc điều chỉnh rối loạn đông máu,…

Ngày thứ 2 sau mổ, tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân được cải thiện, bệnh nhân đã có cử động chân tay và mở mắt khi cấu véo. Với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa, đặc biệt là việc theo dõi và điều trị tích cực sau phẫu thuật của ê kíp các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, bệnh nhân đã vượt qua cơn "thập tử nhất sinh" trong niềm hạnh phúc vỡ oà của gia đình và đội ngũ y bác sĩ.

Hiện tại, sau 4 ngày được cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, tự thở tốt, ngừng các thuốc vận mạch, không phải truyền bổ sung máu, vết mổ khô, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường, sức khoẻ ổn định.

Theo các bác sĩ đờ tử cung sau đẻ là tình trạng tử cung không thể co hồi sau khi sinh nở, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến băng huyết sau sinh rất nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng người mẹ. Thông thường, cơ tử cung sẽ tự động thắt chặt hoặc co lại để bong nhau sau khi sinh. Quá trình co hồi này giúp siết chặt các mạch máu gắn với bánh nhau và hỗ trợ ngăn ngừa chảy máu. Trong trường hợp cơ tử cung co không đủ mạnh, máu vẫn liên tục chảy tự do dẫn đến tình trạng sốc mất máu, rối loạn đông máu, nếu không được xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ.

Đờ tử cung là biến chứng sản khoa xảy ra bất ngờ và không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ của y học cũng như việc trang bị đầy đủ những kiến thức về thai nghén và sinh nở, các biến chứng thai kỳ sẽ được kiểm soát và giảm nhẹ rất nhiều nếu các sản phụ thực hiện các lời khuyên sau đây:

Thực hiện đầy đủ lịch khám thai định kỳ, khám ít nhất 3 lần trong thai kỳ vào giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Thực hiện các kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm cần thiết để tầm soát dị tật thai và bất thường nếu có. Cần bổ sung sắt, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu. Có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng.

Khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Mẹ bầu liệt kê chi tiết từng khoản trong gói sinh mổ chủ động được chọn bác sĩ tại Phụ sản Trung ương
Chị Thúy review chi tiết về trải nghiệm đi đẻ với gói sinh mổ chủ động tại viện Phụ sản Trung ương cho các mẹ bầu đang có ý định sinh con tại đây. 

Chọn nơi sinh

Theo Ngọc Hưng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu