Nhiều người có sở thích ăn thịt và quả thực hương vị của thịt cũng rất hấp dẫn khi chế biến thành các món chiên, xào, nướng,.... Dù thịt thơm ngon nhưng có những loại thịt không hề tốt cho sức khỏe nếu lạm dụng.
Loại thịt có hại nhất nếu lạm dụng: Thịt đỏ và thịt chế biến
Thịt đã qua chế biến dùng để chỉ bất kỳ loại thịt nào đã được xử lý hoặc biến đổi bằng cách ướp muối, xử lý, hun khói, lên men hoặc các quy trình khác để cải thiện việc bảo quản thịt hoặc để tăng hương vị của thịt chẳng hạn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng,...
Thịt đỏ dùng để chỉ tất cả các loại thịt cơ của động vật có vú như thịt bò, thịt lợn, thịt bê, thịt cừu,, ngựa và dê,...
Ảnh minh họa
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê thịt đã qua chế biến là "chất gây ung thư cho người" (nhóm 1) đối với bệnh ung thư đại trực tràng và tuyên bố thêm rằng quyết định của họ dựa trên bằng chứng đầy đủ từ các nghiên cứu trên người. Các chuyên gia tại IARC gợi ý rằng một phần 50 g thịt chế biến (4 miếng thịt xông khói hoặc một miếng xúc xích) ăn hàng ngày làm tăng khoảng 18% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Điều đó có nghĩa là nguy cơ phát triển ung thư ruột kết của bạn tăng từ 5 đến 5,9% trong suốt cuộc đời của bạn.
Đối với các loại thịt đỏ, IARC đã phân loại chúng là "có thể gây ung thư cho người" (nhóm2A) và đưa ra kết luận dựa trên các bằng chứng hạn chế hơn về sự phát triển của ung thư đại trực tràng, nhưng ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể liên quan đến việc tiêu thụ thịt đỏ. IARC chỉ ra rằng việc tiêu thụ 100 g thịt đỏ mỗi ngày làm tăng 17% nguy cơ ung thư đại trực tràng trong suốt cuộc đời của bạn. Điều đó có nghĩa là nguy cơ bị ung thư đại trực tràng của bạn tăng từ 5 lên 5,85% trong suốt cuộc đời của bạn.
Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có những hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư. (Ảnh minh họa)
Theo lý giải của tổ chức Cancer Research UK (Anh) về nguyên nhân tại sao thịt chế biến và thịt đỏ lại có thể gây hại cho sức khỏe, hóa chất (được tìm thấy trong thịt, được thêm vào trong quá trình chế biến hoặc được tạo ra khi nấu ăn) có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách làm hỏng tế bào của chúng ta.
- Chất haem là một sắc tố đỏ được tìm thấy trong thịt đỏ và thịt đỏ đã qua chế biến có thể làm suy yếu các tế bào, và khiến vi khuẩn trong cơ thể sản xuất các hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư.
- Nitrat và nitrit thường được sử dụng để giữ cho thịt đã qua chế biến được tươi ngon lâu hơn. Khi chúng ta ăn loại thịt này, nitrit có thể được chuyển đổi thành các hóa chất gây ung thư (hợp chất N-nitroso hoặc NOC). Những hóa chất này có thể là lý do tại sao thịt đã qua chế biến làm tăng nguy cơ ung thư hơn thịt đỏ tươi.
- Amin dị vòng (HCAs) và amin đa vòng (PCAs) là những hóa chất sản sinh khi thịt được nấu ở nhiệt độ cao chẳng hạn như nướng thịt, có thể làm hỏng các tế bào trong ruột.
Dù thịt đỏ có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe nhưng điều ấy chỉ xảy ra khi chúng ta ăn quá nhiều. WHO không khuyến cáo mọi người từ bỏ thói quen ăn thịt đỏ mà nên ăn hạn chế và sử dụng một cách hợp lý nhất. Thịt đỏ khi được tiêu thụ ở lượng an toàn sẽ cung cấp lượng chất sắt dồi dào, lượng kẽm, protein, vitamin B rất cần thiết cho quá trình phát triển, ngăn ngừa lão hóa của cơ thể.
Tổ chức Ung thư Thế giới khuyến cáo lượng thịt đỏ tiêu thụ hàng tuần của mỗi người nên được kiểm soát ở mức dưới 500g (không bao gồm xương và mỡ) và không quá 70g thịt/ngày.
Loại thịt nên ăn thường xuyên: Ăn thịt cá giảm nguy cơ ung thư ruột
Nghiên cứu của Đại học Oxford và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho biết ăn ba phần cá trở lên mỗi tuần giúp giảm nguy cơ ung thư ruột.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra thói quen ăn uống của 476.160 người đã điền vào bảng câu hỏi về mức độ thường xuyên ăn một số loại thực phẩm nhất định. Cuộc khảo sát bao gồm chi tiết về lượng cá của những người tham gia, bao gồm cá trắng, béo và nạc.
Tiêu thụ cá có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. (Ảnh minh họa)
Kết quả cho thấy ăn 359,1g cá bất kỳ mỗi tuần giúp giảm 12% nguy cơ ung thư ruột so với ăn ít hơn 63,49g mỗi tuần. Trong khi đó, những người ăn 123,9 g mỗi tuần cá béo chẳng hạn như cá hồi và cá mòi, giảm 10% nguy cơ ung thư ruột.
Các nhà nghiên cứu kết luận: "Tiêu thụ cá dường như làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng (ruột) và nên được khuyến khích như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh."
Nhóm nghiên cứu cho biết cá béo là một nguồn cực kỳ phong phú của axit béo không bão hòa đa chuỗi dài n-3 (n-3 LC-PUFA), được cho là có tác dụng bảo vệ cơ thể và ngăn ngừa viêm nhiễm. Cá không béo cũng chứa các hợp chất axit béo đặc biệt này.