Cụ bà Jeanne Calment được vinh danh là người già nhất thế giới đã được ghi nhận, khi bà đã sống tới 122 tuổi.
Jeanne Calment, một cụ bà người Pháp đã đạt được kỳ tích đáng kinh ngạc là sống đến 122 tuổi, nhờ đó được vinh danh là người già nhất thế giới được ghi nhận.
Nhưng trước khi qua đời, Calment đã gặp và thảo luận về cuộc đời mình với Jean-Marie Robine, một nhà nhân khẩu học chuyên nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức khỏe và tuổi thọ người Pháp. Robine cho biết: "Chúng ta nên biết rằng phần lớn lý do khiến bà Jeanne Calment có thể sống thọ như vậy chỉ là nhờ may mắn vì nó quá đặc biệt".
Dù vậy, vẫn có một số khía cạnh trong cuộc sống của bà cụ có thể góp phần vào khả năng sống lâu đến như vậy. Sau đây là 3 lý do mà trang tin CNBC cho rằng giúp bà Jeanne Calment trở thành người cao tuổi nhất thế giới.
1. Cuộc sống giàu có
Cuộc sống giàu có giúp bà Calment có điều kiện sống tốt, ăn uống đầy đủ và ít bị căng thẳng.
Robine cho biết bà Calment được hưởng lợi từ việc “lớn lên trong một gia đình tư sản ở miền nam nước Pháp, vì vậy bà ấy được sống trong một khu phố tốt đẹp và lành mạnh".
Điều này giúp cho bà có thể được đi học đến năm 16 tuổi, điều mà rất ít phụ nữ thời đó có thể có cơ hội. Bà cũng tiếp tục tham gia các lớp học riêng về ẩm thực, nghệ thuật và khiêu vũ cho đến khi kết hôn vào năm 20 tuổi.
Robine cho biết một yếu tố khác có thể giúp bà sống lâu hơn và bớt căng thẳng hơn là bà không bao giờ làm việc. Bà Jeanne Calment luôn có người giúp việc nhà và không phải tự nấu ăn hay đi mua sắm những thứ cần thiết.
Việc ở trong một môi trường có điều kiện sống tốt như vậy giúp bà Jeanne Calment có cơ hội được hưởng những điều lành mạnh như nguồn nước sạch, thực phẩm sạch, không bị thiếu chất do thiếu ăn, được tiếp cận y tế tốt nhất nếu bị bệnh và cũng tránh được những căng thẳng do áp lực xã hội.
2. Bà không bao giờ hút thuốc cho đến khi già
Bà Calment tránh xa thuốc lá cho đến năm 112 tuổi, bà thỉnh thoảng mới hút thuốc.
Robine cho biết trước khi kết hôn, bà Calment không được phép hút thuốc. Ông nói: “Chúng ta phải biết bà ấy đang sống ở đâu, vào lúc nào. Đó là vào cuối thế kỷ 19, tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Pháp, bà ấy là một cô gái, hơn nữa lại sống trong một gia đình tư sản thì việc hút thuốc tất nhiên là điều cấm kỵ".
Tuy nhiên sau khi kết hôn, khi được chồng mời hút một điếu thuốc, bà Calment đã rất thích thú khi được làm điều mà trước đây bị cấm đoán. Nhưng lần đầu tiên thử hút thuốc đó, bà không cảm thấy nó thú vị hay hấp dẫn nên không bao giờ động vào thuốc lá một lần nào nữa.
Thật thú vị, Calment đã không hút thuốc trong phần lớn cuộc đời của mình, nhưng đã bắt đầu thói quen này vào khoảng 112 tuổi khi sống trong viện dưỡng lão.
Theo các chuyên gia, tuổi thọ của người hút thuốc ngắn hơn ít nhất 10 năm so với người không hút thuốc. Bỏ hút thuốc trước 40 tuổi giúp giảm khoảng 90% nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc. Hút thuốc có liên quan tới nhiều bệnh ung thư khác nhau bao gồm: ung thư miệng, hầu họng, thực quản, phổi, dạ dày, tuyến tụy, thanh quản, cổ tử cung (phụ nữ), thận và bể thận, bàng quang, gan, đại tràng và trực tràng;... Ngoài ra, nó còn liên quan tới các bệnh tim và mạch máu, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,...
3. Có một cuộc sống xã hội tuyệt vời
"Với rất nhiều thời gian rảnh rỗi, bà Calment hoàn toàn không có gì để làm ngoài việc chăm sóc bản thân, đi thăm quan khắp nước Pháp và tham gia các hoạt động xã hội,” Robine nói.
Bà dành phần lớn thời gian để tham dự các sự kiện xã hội và gặp gỡ những người mới. Bà cũng thường xuyên cùng với chồng đi du lịch và đến Paris để xem tháp Eiffel, lúc đó đang được xây dựng. Bà đã khám phá ra thế giới hấp dẫn này vào đầu thế kỷ 19 và 20.
Theo nhiều nghiên cứu, những người có kết nối xã hội mạnh mẽ có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Ví dụ, nghiên cứu về dân số sống lâu bất thường trên đảo Sardinia, Italy đã chỉ ra rằng mối quan hệ bền chặt với gia đình và bạn bè, cùng với hoạt động thể chất thường xuyên, có thể góp phần kéo dài tuổi thọ của họ.
Một bài báo của CNN cũng đề cập đến một đánh giá về 148 nghiên cứu cho thấy những người bị cô lập đối mặt với nguy cơ tử vong sớm cao hơn 50% so với những người có kết nối xã hội mạnh mẽ hơn.
Lisa Berkman - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Harvard và Thomas D. Cabot - Giáo sư Chính sách Công và Dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, đã trích dẫn các nghiên cứu khác cho rằng sự cô lập xã hội có nguy cơ tử vong tương tự so với các yếu tố rủi ro chính khác, chẳng hạn như hút thuốc .
Berkman nói rằng sự căng thẳng của sự cô lập có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của con người, khiến họ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Bà cũng lưu ý rằng những người có mối quan hệ xã hội mạnh mẽ có xu hướng có hành vi sức khỏe tốt hơn, như ăn thực phẩm lành mạnh và hoạt động thể chất.