Giáo sư 88 tuổi Kyouzo Ishikawa gợi ý 5 thói quen đơn giản như đọc, cười, hít thở sâu, viết và đi bộ nhưng có thể giúp bạn kéo dài tuổi thọ và khỏe mạnh tới già.
Con người ngày càng muốn kéo dài sự sống và muốn thật khỏe mạnh ngay cả khi đã già. Hiệp hội Y khoa Nhật Bản nhận thấy rằng phương pháp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ thực tế không cần nỗ lực quá nhiều mà chủ yếu dựa trên những thói quen sinh hoạt đơn giản mà người cao tuổi có thể thực hiện hàng ngày, giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và loãng xương ở người cao tuổi.
Kyouzo Ishikawa, giáo sư danh dự 88 tuổi về nội khoa tại Đại học Kyorin và là chuyên gia về tim mạch lâm sàng tại Nhật Bản cho biết, để kéo dài sự sống, cân bằng thể chất và tinh thần trong cuộc sống hàng ngày, điều quan trọng là phải tham gia vào các hoạt động có lợi cho cơ thể và tinh thần. Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, giáo sư Kyouzo Ishikawa đã đúc rút ra kinh nghiệm để sống lâu và khỏe mạnh có thể gói gọn trong vài con số "1, 10, 100, 1.000, 10.000".
Hãy hình thành những thói quen tốt cho sức khỏe để tránh chứng mất trí nhớ và loãng xương khi về già. (Ảnh minh họa)
Đọc 1 bài viết mỗi ngày để cải thiện chức năng nhận thức
Đọc một bài viết mỗi ngày, cho dù đó là tin tức, tạp chí hay một cuốn sách. Hãy chọn những gì bạn thích và đọc nó, thông qua việc đọc, bạn có thể kích hoạt quá trình tư duy của não và cải thiện chức năng nhận thức. Các nội dung được giáo sư Kyouzo Ishikawa khuyên đọc nhiều nhất là các bài xã luận trên báo vì có thể đọc rất nhanh nên không gây nhiều áp lực, đồng thời cũng dễ hình thành thói quen hơn.
Đọc sách báo hàng ngày là thói quen tốt cho cả người già và người trẻ.
Cười 10 lần mỗi ngày để cải thiện trí nhớ, tăng khả năng miễn dịch và ngăn ngừa ung thư
Giáo sư Kyouzo Ishikawa gợi ý rằng mọi người nên cười thật to và cười ít nhất 10 lần một ngày. Nó không chỉ có thể cải thiện khả năng miễn dịch, ức chế các tế bào ung thư và nhiễm trùng mà còn có thể làm tăng lưu lượng máu đến não, kích hoạt chức năng não và cải thiện trí nhớ. Một số nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng, mọi người càng cười nhiều thì nguy cơ suy giảm nhận thức càng thấp.
Mặt khác, cười còn có thể làm tăng endorphin vốn được xem là hormone hạnh phúc, giúp con người giải tỏa căng thẳng, lo âu và chống sự mệt mỏi.
Giáo sư Yasushi Okumura, tại Đại học Y Juntendo cho biết thêm, khi con người cười, nó sẽ thúc đẩy quá trình tiết serotonin và endorphin, giải phóng một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh và nhanh chóng kích hoạt tế bào NK (một thành phần cực kỳ quan trọng của hệ thống miễn dịch bẩm sinh), từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.
Câu nói "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ" quả thực chưa bao giờ sai.
Hít thở sâu 100 lần để thư giãn các dây thần kinh tự chủ, xoa bóp các cơ quan nội tạng và hạ huyết áp
Giáo sư Kyouzo Ishikawa khuyên mọi người nên hít thở sâu 10 lần mỗi đợt, tổng cộng là 100 lần hít thở sâu mỗi ngày. Thông qua việc hít thở sâu, bạn không chỉ có thể mở rộng tất cả các góc của phổi mà còn thu được nhiều oxy hơn và tăng hàm lượng oxy trong động mạch để cung cấp cho nhu cầu của cơ thể. Đồng thời, tăng cường hoạt động của các dây thần kinh phó giao cảm, điều này giúp loại bỏ căng thẳng, ổn định tinh thần và giảm huyết áp.
Ngoài ra, hít thở sâu có thể giúp chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, giảm căng thẳng và chống lo lắng. Nó cũng có thể giúp giảm đau mãn tính và cải thiện trí nhớ.
Bác sĩ y học Trung Quốc Huang Xianming thậm chí còn chia sẻ rằng, khi hít một hơi thật sâu, do sự chuyển động lên xuống của cơ hoành, các cơ quan nội tạng trong khoang bụng có thể được xoa bóp trong quá trình hít vào và thở ra, siết chặt và thư giãn, đó là một trong những chìa khóa quan trọng để chăm sóc sức khỏe.
Hít thở sâu giúp loại bỏ căng thẳng, ổn định tinh thần và giảm huyết áp. (Ảnh minh họa)
Viết 1.000 từ mỗi ngày phòng bệnh sa sút trí tuệ
Khi viết, nhiều chức năng khác nhau của não được sử dụng giúp cải thiện hiệu quả chức năng nhận thức và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ. Viết 1.000 từ mỗi ngày có vẻ như nhiều, nhưng nó có thể dễ dàng đạt được chỉ bằng cách viết nhật ký, viết thư,...
Nếu bạn không thể nghĩ ra nên viết gì, giáo sư Kyouzo Ishikawa khuyên bạn nên kể lại các hoạt động trong ngày, mô tả các bữa ăn. Bạn không cần viết thật hay, chỉ cần ghi lại những điểm chính và hãy viết chúng một cách có trật tự. Ông nói: "Đây là một loại thuốc đặc biệt để ngăn ngừa chứng mất trí nhớ".
Viết lại những gì đã làm trong ngày là cách tốt để cải thiện trí nhớ.
Đi bộ 10.000 bước củng cố xương và ngăn ngừa loãng xương
Người già không nên ở nhà cả ngày, việc ra khỏi nhà có rất nhiều lợi ích. Giáo sư Kyouzo Ishikawa giải thích rằng đi bộ không chỉ có thể cải thiện chức năng nhận thức và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, mà thông qua việc đi bộ, máu tích tụ ở phần dưới cơ thể có thể quay trở lại tim dễ dàng hơn, ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa. Nó thậm chí có thể tăng cường xương, ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương và ngăn ngừa chứng loãng xương. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi đi bộ 10.000 bước mỗi ngày thì nên bắt đầu bằng việc đi bộ 5.000 bước mỗi ngày.