Các nghiên cứu của năm 2022 đã xác nhận mối liên hệ giữa nguy cơ gây ung thư của một số thực phẩm, đồ gia dụng.
Bạn đã bao giờ cảm thấy hoang mang khi đọc được vô vàn những thông tin liên quan đến một số loại thực phẩm, đồ uống hay sản phẩm gia dụng bạn đang dùng lại có thể gây nguy hiểm? Những nghiên cứu mới liên tục được công bố về việc phát hiện một số nhu yếu phẩm mà chúng ta dùng hàng ngày lại được tạo ra bởi các hóa chất và thành phần độc hại khiến nhiều người không khỏi thắc mắc liệu có an toàn khi sử dụng hay tiêu thụ những thứ này không.
Năm 2022, các nhà khoa học cũng đã có những phát hiện mới hoặc rõ ràng hơn về các đồ dùng, thực phẩm quen thuộc có hại cho sức khỏe, đặc biệt là khả năng gây ung thư. Dưới đây là ba vật dụng phổ biến bạn có thể tìm thấy trong nhà bếp có liên quan đến ung thư đã được các nhà khoa học phát hiện vào năm 2022.
1. Đồ nấu nướng chống dính
Mối liên hệ giữa dụng cụ nấu nướng chống dính và sức khỏe của con người đã được chứng minh là một mối liên hệ phức tạp trong những năm qua. Các chất per- và polyfluoroalkyl hay PFAS là các hóa chất tổng hợp được sử dụng trong các mặt hàng như quần áo không thấm nước, sản phẩm tẩy rửa và dụng cụ nấu chống dính. Những chất này được biết đến là một trong những chất xúc tác hàng đầu gây ra một số nguy cơ sức khỏe liên quan đến chảo chống dính. Trên thực tế, PFAS đôi khi được gọi là "hóa chất vĩnh viễn" vì chúng phân hủy cực kỳ chậm và có thể tồn tại mãi mãi trong cơ thể người và môi trường.
Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa PFAS và những thứ như bệnh gan và ung thư, nhưng phần lớn nghiên cứu này được thực hiện trên động vật. Theo Insider, một vấn đề phức tạp khác khi nghiên cứu tác động của PFAS đối với nguy cơ ung thư trên con người là nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự hình thành khối u ác tính ở người và việc để con người tiếp xúc với hóa chất ung thư vì mục đích nghiên cứu được xem là hành vi vi phạm đạo đức. Do đó, hiểu biết về tác động trực tiếp của PFAS đối với sức khỏe con người phần lớn vẫn bị hiểu sai cho đến khi một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 10 năm 2022.
Nghiên cứu này, đã được công bố trên JHEP Reports Innovation in Hepatology, xác nhận rằng có mối liên hệ giữa PFAS và ung thư gan. Nghiên cứu còn sử dụng các mẫu từ máu và mô của hơn 200.000 người đã được thu thập trước đó. Trong số các mẫu này, 50 mẫu được phát hiện đã phát triển ung thư gan. Và khi các nhà nghiên cứu xem xét máu của các đối tượng nghiên cứu trước khi mắc ung thư, họ đã tìm thấy mức độ PFAS cao trong cơ thể. Theo một thông cáo báo chí về nghiên cứu từ Trường Y khoa Keck của USC, nhóm nằm trong top 10% những người tiếp xúc với PFAS có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 4,5 lần so với những người nằm ngoài top 10%.
Để đảm bảo việc nấu ăn an toàn hơn, bạn có thể sử dụng các giải pháp thay thế khác cho chảo chống dính chẳng hạn như chảo gang hoặc chảo thép không gỉ.
Thực phẩm siêu chế biến
Không có gì ngạc nhiên khi chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn - đồ ăn nhanh, nước ngọt, đồ nướng đóng gói - có liên quan đến các biến chứng sức khỏe khác nhau. Nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến và việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và béo phì. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2022, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy mối liên hệ đã được xác nhận giữa những thực phẩm này và ung thư đại trực tràng, đặc biệt ở nam giới.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học của Anh đã xem xét ba nhóm đối tượng lớn, trong đó có 3.216 trường hợp ung thư đại trực tràng. Trong số những trường hợp này, những người tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến nhất có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 29% so với những người tiêu thụ ít nhất những thực phẩm này.
Và trong số các loại thực phẩm siêu chế biến, các sản phẩm thịt, hải sản và gia cầm đã qua chế biến cũng như nước ngọt được cho là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ so với các loại thực phẩm siêu chế biến khác. Ngoài ra, mặc dù nghiên cứu đánh giá cả những người tham gia là nam và nữ, nhưng không tìm thấy mối liên hệ nào giữa thực phẩm siêu chế biến và ung thư đại trực tràng ở phụ nữ.
Những kết quả từ nghiên cứu này có thể là động lực để mọi người thay đổi thói quen ăn uống, chú trọng những thực phẩm chưa qua chế biến và có nguồn gốc thực vật hơn.
Chất làm ngọt nhân tạo
Thông thường khi muốn giảm cân nhưng vẫn muốn uống nước ngọt, nhiều người sẽ gọi những sản phẩm đồ uống dành cho người ăn kiêng để giảm lượng đường bổ sung. Thật không may, nghiên cứu từ tháng 3 năm 2022 đã phát hiện ra mối liên hệ giữa chất làm ngọt nhân tạo, giống như chất được sử dụng trong đồ uống dành cho người ăn kiêng, và việc tăng nguy cơ ung thư.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine đã xem xét các tác động gây ung thư tiềm ẩn của ba loại chất làm ngọt nhân tạo phổ biến: aspartame, sucralose và acesulfame-K, trong đó nước ngọt dành cho người ăn kiêng và các loại đường thay thế là nguồn phổ biến nhất cung cấp các chất tạo ngọt này.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số hơn 100.000 người Pháp trưởng thành, những người tiêu thụ lượng chất làm ngọt nhân tạo này cao nhất có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 13%, trong đó aspartame và acesulfame-K đặc biệt góp phần gây ra nguy cơ cao nhất.
Tóm lại, các loại nước ngọt thông thường hay nước ngọt dành cho người ăn kiêng đều nên sử dụng hạn chế.