Dùng quá nhiều iPad, điện thoại là 1 trong những lý do khiến 3 triệu trẻ em VN hỏng mắt

Ngày 22/06/2020 09:30 AM (GMT+7)

Việc sử dụng điện thoại quá sớm và quá nhiều sẽ khiến trẻ mắc hàng loạt các tật khúc xạ, đặc biệt là vấn đề cận thị đang gia tăng nhất là ở thành thị.

Trẻ mắc tật khúc xạ gia tăng đáng báo động

Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc các tật khúc xạ cần được được chỉnh kính. Đáng chú ý, trong số trẻ em mắc các tật khúc xạ có đến 60%-70% là trẻ em ở thành phố lớn.

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh, nguyên Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong số các vấn đề về mắt mà trẻ hay mắc nhất đó là: cận thị, lác và sụp mí…

Riêng đối với cận thị thì thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh, sinh viên nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Có đến 90% trẻ sinh ra hoàn toàn bình thường nhưng trong quá trình sinh hoạt, học tập gây nên cận thị do nhìn gần, ánh sáng kém…

Dùng quá nhiều iPad, điện thoại là 1 trong những lý do khiến 3 triệu trẻ em VN hỏng mắt - 1

Tỷ lệ trẻ cận thị ngày càng gia tăng, đặc biệt là trẻ em ở các thành phố lớn.

Nhiều phụ huynh thờ ơ cho rằng đây là tình trạng bình thường, không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên qua thăm khám, PGS Đức Anh cho biết, ở lứa tuổi học sinh là giai đoạn độ cận của trẻ tiến triển nhanh nhất và có thể gây nên biến chứng mù lòa.

“Có nhiều trẻ khi cận độ 2, độ 3 mới được bố mẹ đưa đi khám và cắt kính. Tuy nhiên, sau đó vài tháng độ cận lại tăng lên và không có xu hướng giảm”, PGS Đức Anh cho hay.

Đối với bệnh lác mắt ở trẻ em, PGS Đức Anh cho rằng hiện nước ta có khoảng 2-3 triệu trẻ bị lác, chiếm khoảng 2%-4% dân số. Mắt lác ở trẻ có thể là do bẩm sinh, nhưng cũng có thể mắc phải trong quá trình sinh sống và sinh hoạt.

Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ không được khám, chữa kịp thời đã gây ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và cả thị lực…

Dùng quá nhiều iPad, điện thoại là 1 trong những lý do khiến 3 triệu trẻ em VN hỏng mắt - 2

PGS Nguyễn Đức Anh cảnh báo nếu không phát hiện sớm các tật khúc xạ, trẻ có thể bị mù vĩnh viễn.

Khi đó, “cửa sổ tâm hồn” của trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề về thẩm mỹ, thị lực, khả năng nhìn nhận, ảnh hưởng tới tương lại của chính các con và cả thế hệ trẻ của đất nước. Chính vì thế, tăng cường bảo vệ và chăm sóc mắt ngay từ khi còn nhỏ chính là giải pháp tiên phong trong việc bảo vệ thị lực, chủ động ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm gây mù lòa cho con sau này.

Hãy thay đổi thói quen trong cuộc sống để bảo vệ mắt của trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên các tật khúc xạ ở trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh. Theo PGS Nguyễn Đức Anh việc tiếp cận quá sớm với công nghệ, sinh hoạt, học tập trong môi trường không đủ ảnh sáng chính là nguyên nhân gây nên các tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị…

“Cận thị là tật nhìn xa kém, nhìn gần sẽ tốt hơn. Các biểu hiện của cận thị bố mẹ cần biết là việc đi học nhìn trên bảng không đọc được hoặc đọc không hết chứ, viết sai, chép thiếu…

Ở nhà xem tivi phải nheo mắt, tiến sát màn hình mới nhìn được. Đọc sách hay cúi sát xuống mặt bàn, dí sát sách vào mắt… Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên thì cần đưa đi khám chuyên khoa”, PGS Đức Anh cho biết.

Dùng quá nhiều iPad, điện thoại là 1 trong những lý do khiến 3 triệu trẻ em VN hỏng mắt - 3

Việc sử dụng thiết bị di động quá nhiều và không đúng cách sẽ khiến trẻ mắc các tật khúc xạ gia tăng.

Các chuyên gia cho biết việc trẻ hiện nay tiếp cận quá sớm và sử dụng quá nhiều công nghệ - thiết bị thông minh cũng là nguyên nhân khiến tật khúc xạ ở trẻ gia tăng.

Theo đó, việc cho con xem tivi, xem điện thoại, chơi điện tử thậm chí là học online không điều độ sẽ khiến các tật khúc xạ gia tăng. “Nếu học online chỉ nên cho trẻ học 45 phút sau đó nghỉ ngơi. Một ngày tổng thời gian nhìn màn hình không quá 3 tiếng.

Kể cả khi học ở trường lớp, mỗi giờ giải lao nên để cho mắt được nghỉ ngơi bằng cách nhìn bao quát, chơi thể thao… Không nên tranh thủ giờ giải lao để xem phim, chơi điện tử”, PGS Đức Anh cho hay.

Ngoài ra, khi học tập tại nhà cần phải đủ ánh sáng và tốt nhất là ánh sáng tự nhiên là tốt nhất cho mắt. “Có nhiều quan điểm cho rằng nên chọn ánh sáng trắng hay ánh sáng đỏ cho trẻ khi ngồi học. Tôi cho rằng ánh sáng nào không quan trọng, điều cần thiết là phải đủ ánh sáng khi ngồi học.

Một điều đáng chú ý nữa là hướng ánh sáng khi ngồi học cũng rất quan trọng. Phụ huynh nên bố trí hướng ánh sáng cho trẻ không chiếu trực tiếp vào trang giấy mà nên để chéo nhằm hạn chế chói lóa”, PGS Đức Anh khuyến cáo.

Ngoài những vấn đề trên, việc bổ sung vitamin bằng thực phẩm, tăng cường thể dục thể thao... cũng là cách để giảm áp lực lên mắt và giúp đôi mắt sáng hơn.

Cậu bé 11 tuổi mắt sưng như trứng, suýt mù vì bố mẹ cho nghịch điện thoại suốt 2 ngày
Chỉ vì thói quen chơi game trên điện thoại và máy tính suốt ngày đêm trong kì nghỉ hè, khiến cho cậu bé 11 tuổi bị nhiễm trùng mắt và thiếu chút nữa...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp