Theo AFP ngày 12/6 dẫn lời giới chức y tế địa phương, ít nhất 31 trẻ em đã thiệt mạng ở miền bắc Ấn Độ do viêm não, nghi ngờ liên quan đến một loại độc tố trong quả vải.
Trong 10 ngày qua, có ít nhất 31 trẻ ở miền bắc Ấn Độ đã tử vong và 40 trẻ đang được chăm sóc đặc do bị viêm não, điều đáng nói các trẻ này đều có nghi ngờ liên quan đến một độc tố có trong quả vải. Theo đó, các ca tử vong được ghi nhận tại bệnh viện ở vùng Muzaffarpur thuộc bang Bihar, đây là vùng trồng vải chính ở Ấn Độ.
Khi nhập viện, các nạn nhân đều có triệu chứng của Hội chứng viêm não cấp (AES) và hạ đường huyết đột ngột. Hiện ngành y tế địa phương vẫn đang tích cực làm rõ và tập trung cấp cứu cho các trẻ đang nằm viện.
Không chỉ ở Ấn Độ, tại Việt Nam cũng đã từng xuất hiện những tin đồn về việc ăn vải là nguyên nhân gây nên bệnh viêm não Nhật Bản. Về vấn đề này, các chuyên gia đều khẳng định quả vải và việc ăn quả vải không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm não hay viêm não Nhật Bản.
PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do vi rút gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Do đó, việc ăn quả vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
Chuyên gia y tế khẳng định ăn vải không phải nguyên nhân gây viêm não Nhật Bản.
Theo PGS Phu, ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống – nơi vi rút nhân lên, lưu trữ lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê… và từ đó truyền sang người. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt.
Dù không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm não hay viêm não Nhật Bản, tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo một số đối tượng không nên ăn hoặc không nên ăn nhiều vải vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ths. Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung khuyến cáo, những người bị tiểu đường, thai phụ, người có cơ địa nóng nổi nhiều mụn, thừa cân béo phì, trẻ em không nên ăn nhiều vải.
Theo đó, trong cùi quả vải thiều có nhiều đường glucoza, nếu ăn nhiều lượng lớn vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan. Khi lượng đường glucoza tăng đột biến, dễ làm tăng đường huyết nhanh, điều này rất không có lợi cho những người bị bệnh tiểu đường.
Lương y Trung khuyến cáo không ăn vải khi đang bị đói.
Ngoài ra, trong quả vải có chứa khoảng 66% đường glucose, 5% đường saccharose, chứa tổng đường trên 70% (đứng hàng đầu trong các loại cây ăn trái), do đó những người béo phì ăn nhiều vải sẽ khó kiểm soát được lượng đường đưa vào cơ thể, khiến bệnh ngày càng thêm trầm trọng.
Riêng đối với trẻ em, do hệ tiêu hóa còn kém, phụ huynh nên cho trẻ ăn với lượng vừa phải (khoảng 100gram/ngày). Đặc biệt, chỉ ăn quả vải đã chín đủ, không ăn vải xanh, không nhai, cắn hạt vải khi ăn. Không ăn quá nhiều vải cùng một lúc vì dễ bị đau rát lưỡi, sinh nhiệt. Không nên ăn vải lúc đói vì dễ dẫn đến “say vải”, ngộ độc vải dẫn đến buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt.
Loại độc tố trong vải gây thiệt mạng nhiều trẻ ở Ấn Độ là gì? Một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy, vải chứa độc tố ức chế khả năng sản sinh glucose của cơ thể, tác động đến nồng độ đường trong máu của trẻ nhỏ, vốn đã rất thấp do các em thường không ăn tối. Hậu quả là chúng thường thức giấc và la hét vào ban đêm trước khi trải qua những cơn co giật và mất ý thức vì bị phù não trước khi tử vong. Các nhà nghiên cứu kiểm tra trẻ mắc bệnh được đưa vào bệnh viện Muzaffarpur từ tháng 5 đến tháng 7/2014 và nhận thấy mối liên quan với căn bệnh khiến não sưng phù và co giật ở trẻ em vùng Caribe. Căn bệnh xuất phát từ loại quả mang tên ackee, chứa hypoglycin, một độc tố ngăn chặn cơ thể sản sinh glucose. Các xét nghiệm cho thấy quả vải cũng chứa độc tố hypoglycin. |