Điều đáng lo nhất là ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy xơ phổi hậu Covid-19 có thể là biến chứng dài hạn, ngay cả ở những người không có triệu chứng.
Xơ phổi hậu COVID có thể hiểu nôm na là tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái nhu mô phổi bình thường, mà thay bằng những mô xơ (đặc biệt ở bệnh nhân bị viêm phổi nặng và ARDS).
Những tổ chức xơ này không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, dẫn đến tình trạng khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động thể lực.
Ảnh minh hoạ
Tình trạng xơ hóa này có thể được nhìn thấy trên mô bệnh học qua sinh thiết phổi hoặc hình ảnh xơ trên phim CT scan. Đi kèm với nó là tình trạng giảm thể tích phổi và giảm độ khuếch tán của phổi qua các thăm dò chức năng hô hấp.
Dấu hiệu người bị xơ phổi hậu COVID-19
Triệu chứng của người bị xơ phổi hậu Covid-19 là ho khan kéo dài, khó thở khi vận động gắng sức, nặng hơn. Đặc biệt, bệnh nhân có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, cản trở mọi sinh hoạt đời sống thường ngày.
Trên phim chụp CT scan ngực, hình ảnh xơ hóa phổi biểu hiện dưới nhiều dạng và mức độ khác nhau như dải xơ, dày các vách liên tiểu thùy, dạng lưới, giãn phế quản co kéo, phổi có hình tổ ong… Họ cũng có thể bị giảm thể tích phổi ở nhiều mức độ. Khi sinh thiết phổi, hình ảnh sẽ cho thấy tăng sinh tế bào tạo sợi và lắng đọng collagen trên mô bệnh học.
Ảnh minh hoạ
Việc phân loại mức độ nghiêm trọng của xơ phổi dựa trên tình trạng bệnh lý cấp tính. 49% F0 mắc Covid-19 bị viêm phổi, rối loạn đông máu, khó thở, giảm oxy máu đều diễn biến thành suy hô hấp cấp tính và huyết khối tĩnh mạch. Xơ phổi được cho là biến chứng ở người mắc Covid-19 nghiêm trọng.
Kinh nghiệm từ đợt dịch SARS và MERS trước đây cho thấy đa số bệnh nhân sẽ hồi phục dần sau 2-3 năm. Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA năm 2020 nhận định hầu hết bệnh nhân Covid-19 có tổn thương phổi xơ hóa đều hồi phục trong năm đầu tiên và sau đó vẫn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, 20% trường hợp vẫn bị xơ hóa nặng hơn trong 5-10 năm sau đó. Dựa trên những dữ liệu này, họ ước tính tỷ lệ mắc bệnh xơ phổi hậu Covid-19 là khoảng 2-6% ở những người mắc bệnh dạng trung bình.
Các bệnh nhân xơ phổi do hậu Covid-19 mức độ nặng cần nhập viện để điều trị. Các biện pháp điều trị hiện tại bao gồm tập thở, thở oxy, glucocorticosteroid, thuốc kháng xơ phổi (Nintedanib, Pirfenidone), truyền tế bào gốc và ghép phổi. Tùy mức độ tổn thương phổi, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân các biện pháp điều trị phù hợp nhất.
Điều đáng lo nhất là ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy xơ phổi hậu Covid-19 có thể là biến chứng dài hạn, ngay cả ở những người không có triệu chứng. Đây là tình trạng không có cách điều trị. Một số thử nghiệm lâm sàng đang thử nghiệm cách chữa xơ phổi hậu Covid-19 nhưng chưa có công bố đột phá.
Những ai có nguy cơ bị xơ phổi hậu COVID?
Những bệnh nhân có nguy cơ mắc xơ phổi lâu dài sau COVID gồm:
- Viêm phổi nặng ở đợt bệnh COVID-19 cấp, đặc biệt là bệnh nhân ARDS;
- Bệnh nhân thở máy áp lực dương, cần điều trị ECMO, thời gian nằm viện lâu dài;
- Bệnh nhân nặng, nồng độ các cytokines tiền viêm trong máu cao;
- Bệnh nhân có tổn thương phổi sẵn có, lớn tuổi, hút thuốc lá.