Sau một thời gian ra máu âm đạo bất thường, chị P đi khám và làm các xét nghiệm thì phát hiện mắc căn bệnh hiếm gặp.
Khoảng 1 tháng nay, chị V.T.P (25 tuổi, Thái Nguyên) xuất hiện ra máu âm đạo bất thường dù trước đó chị cho biết chưa từng bị như vậy, các chu kỳ kinh vẫn đều đặn.
Theo kết quả chụp MRI tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ kết luận bệnh nhân có đa u xơ tử cung. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt tử cung bán phần và hai phần phụ. Khối bệnh phẩm kịp thời được gửi xuống Hà Nội để làm xét nghiệm hóa mô miễn dịch nhằm chẩn đoán xác định bản chất u.
Sau khi phân tích hình ảnh vi thể kết hợp kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ giải phẫu bệnh đã chỉ định một số dấu ấn cần thiết để đi đến kết luận, bệnh nhân P mắc sarcoma đệm bào độ cao - một loại ung thư rất hiếm gặp trong lâm sàng. Như vậy, bản chất khối bệnh phẩm được chẩn đoán u xơ tử cung trước đó thực chất là sarcoma.
Như vậy có thể thấy, việc ra máu âm đạo bất thường không chỉ là dấu hiệu điển hình của các bệnh lý sản phụ khoa thường gặp ở chị em, đó còn là dấu hiệu của một bệnh ung thư hiếm gặp.
Bác sĩ giải phẫu bệnh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Nội) cho biết, sarcoma đệm bào là u trung mô ác tính tại tử cung, nguồn gốc của tế bào u xuất phát từ tế bào đệm của nội mạc tử cung. Sarcoma đệm bào là loại sarcoma phổ biến thứ 2 sau sarcoma cơ trơn với tỷ lệ hiếm gặp <1% trong các loại u ở tử cung và chiếm khoảng 25% các trường hợp sarcoma tử cung. Bệnh lý thường có tiên lượng xấu nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Trong đó, phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ có vai trò chủ yếu trong điều trị triệt căn khối u.
Khi có dấu hiệu đau bụng, ra máu âm đạo bất thường cần đi khám sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Tuấn, sarcoma là loại ung thư hiếm gặp phát triển ở xương và mô mềm gồm: mỡ, cơ, mạch máu, dây thần kinh, mô da sâu và mô xơ. Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1% tổng số chẩn đoán ung thư ở người trưởng thành và khoảng 15% chẩn đoán ung thư ở trẻ em.
Sarcoma có thể hình thành ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, bao gồm:
- 40% xảy ra ở chi dưới (chân, mắt cá chân, bàn chân).
- 15% xảy ra ở chi trên (vai, cánh tay, cổ tay, bàn tay).
- 30% xảy ra ở thân, thành ngực, bụng, xương chậu.
- 15% xảy ra ở đầu và cổ.
Cũng như một số bệnh ung thư khác, các nhà nghiên cứu chưa biết nguyên nhân chính xác khiến tế bào khỏe mạnh trở thành sarcoma. Trong đó, một số yếu tố nguy cơ có thể kể đến như tiếp xúc với hóa chất/ virus, tia xạ, yếu tố di truyền...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết, sarcoma thường có tiên lượng xấu. Theo một số nghiên cứu y khoa, tỷ lệ sống sau 5 năm của sarcoma mô mềm chỉ khoảng 15% với ung thư di căn và khoảng 81% với ung thư chưa lan rộng. Tỷ lệ sống sau 5 năm với sarcoma xương khoảng 26% với ung thư di căn và khoảng 77% với ung thư chưa lan rộng. Tuy nhiên, tỷ lệ sống này còn tùy thuộc vào loại sarcoma, vị trí khối u, tình hình sức khỏe tổng quát, cách cơ thể đáp ứng với điều trị...
Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh khi xuất hiện triệu chứng bất thường cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được phát hiện chính xác và lên liệu trình điều trị kịp thời.