Ngoài việc ăn hàu sống dễ nhiễm vi khuẩn, thói quen ăn hàu vắt chanh, chấm mù tạt cũng được khuyến cáo là không nên làm.
Ăn hàu sống không chỉ nhiễm vi khuẩn, còn để lại nhiều hệ lụy khác
Mới đây, thông tin một người đàn ông ở Hải Phòng tử vong vì nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus (V. vulnificus) hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người khi ăn hàu sống khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Lâu nay ăn hàu sống vắt chanh, chấm mù tạt là món khoái khẩu của nhiều người, thậm chí một số còn cho rằng đồ ăn này là “thần dược” phòng the, tăng cường sinh lý cho nam giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính thói quen ăn sống hàu hoặc nấu chưa chín kỹ chính là nguyên nhân gây nên các vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Một thống kê từ 180 bệnh nhân nhiễm trùng do vi khuẩn V. vulnificus gây nên cho thấy có 92,8% bệnh nhân có ăn hàu sống trong vòng hai ngày trước đó.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, hàu tốt nhưng không nên ăn sống.
PGS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia công nghệ sinh học và thực phẩm - cho biết, hàu là loài động vật nhuyễn thể thuộc nhóm giáp xác bám vào các rạn đá, móng cầu ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển… Ngoài ra, loài động vật này sống ở lớp đáy (đáy biển) nên cũng sẽ chứa nhiều mầm bệnh hơn các loại khác, điển hình như chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng, ấu trùng sán…
Vì thế, nhiều người nói rằng ăn hàu sống hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng là chưa chính xác. Thậm chí, nhiều người khi ăn chất dinh dưỡng chưa hấp thu được đã phải nhập viện vì nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng… Ngoài ra, việc ăn sống hàu còn dễ mắc các bệnh đường ruột, dễ gặp nhất là tiêu chảy.
Ăn hàu sống với nước cốt chanh, mù tạt còn rước thêm bệnh vào người.
Ngoài vấn đề trên, PGS Thịnh cũng cho biết việc nhiều người dùng nước cốt chanh, mù tạt ăn cùng hàu cũng không tốt và không nên thực hiện. Việc làm này mục đích để làm giảm mùi tanh, nước cốt chanh làm tái hàu…nhưng thực tế không phải. Bởi khi ăn hàu sống dù thêm gia vị gì cũng vẫn tanh, không đảm bảo an toàn và không khuyến kích việc làm này.
Hơn nữa việc ăn mù tạt còn gây kích thích niêm mạc vùng mũi họng, dạ dày… ăn nhiều có thể gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày… Một vấn đề nữa PGS Thịnh cũng hết sức lưu ý, với những người bị dị ứng hải sản nói chung và hàu nói riêng không nên sử dụng, kể cả là khi nấu chính cũng phải cẩn trọng. Dị ứng hải sản có nhiều cấp độ khác nhau, có những người bị nặng còn gây nên tình trạng sốc phản vệ rất nguy hiểm.
Biết cách ăn, hàu là bài thuốc tốt
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, hàu là loại thực phẩm bổ dưỡng, nếu biết chế biến còn là bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, lương y Trung cũng khuyến cáo không nên ăn sống hàu. Theo phân tích của lương y Vũ Quốc Trung, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, hoa mắt, chóng mặt, thiếu máu ăn hàu rất tốt, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn.
Theo nghiên cứu khoa học, hàu có giá trị dinh dưỡng rất cao. 100g hàu tươi có chứa đến 47,8mg kẽm, trong khi đó lượng kẽm trong 100g thịt chỉ là 5,2mg và 0,8mg trong 100g cá tươi.
Mỗi 100g thịt hàu gồm có 10,9g protein; 1,5g chất béo; 375mg kali; 270mg natri; 35mg can-xi; 10mg magiê; 5,5mg sắt; 47,8mg kẽm; 11,5mg đồng; 100mg phốt-pho; Vitamin A, B1, B2, và các vi nguyên tố khác… Lượng Iod cao gấp 200 lần so với sữa bò và lòng đỏ trứng. Trong thịt hàu còn có các Acid amin và nhiều chất hoạt tính đặc biệt chỉ có trong sinh vật của biển cả.
Hàu nấu cháo, kết hợp một số loại gia vị, hương liệu, thực phẩm khác có thể chữa được nhiều bệnh.
Lương y Vũ Quốc Trung hướng dẫn, trước khi chế biến hàu thành món ăn phải vệ sinh sạch sẽ lớp vỏ bên ngoài để tránh cặn bẩn, ngâm hàu ít nhất trong 3 tiếng, tách ruột hàu ra khỏi vỏ… Hàu có thể chế biến thành các món như nấu canh, nướng, nấu cháo…
Có thể tham khảo một số bài thuốc được chế biến từ hàu như:
- Hàu luộc chín, ăn với ớt tiêu gia vị thường ngày có tác dụng bổ âm thanh nhiệt lợi tiểu tán kết.
- Dùng thịt hàu 50g, thịt trai 50g, gạo tẻ 100g nấu nhừ chữa tăng huyết áp, nhức đầu chóng mặt, gan suy, rối loạn cương dương…
- Trị di tinh, thận hư, yếu sinh lý, hiếm muộn: Thịt hàu xào hẹ (thịt hàu 300g, hẹ 100g, rượu trắng 30ml, bột nêm 10g, dầu đậu phộng 30g, xào ăn); Canh hàu nấu thịt dê (thịt hàu 200g cắt hạt lựu, thịt dê 100g cắt hạt lựu, cùng cho vào hai quả trứng gà trộn đều, rồi cho vào chảo có dầu nóng 50g xào tơi, thêm 0,5 lít nước dùng, bột nêm 10g); Thịt hàu phi thơm với hành xếp lại vào vỏ, rắc hành lá lên mặt, cho vào nồi hấp khoảng 2 phút với lửa to.
- Canh hàu rau hẹ: thịt hàu 150g, rau hẹ 60 – 120g, thêm gia vị, nấu canh ăn dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm (đạo hãn), bệnh đái tháo đường.
Tin liên quan
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh
Ngày Tết việc ăn uống nhiều, ăn đồ lạ rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhưng nhiều người thường lầm tưởng chỉ là rối loạn tiêu hóa nên chủ quan. Do vậy, việc nhận biết dấu hiệu...