Nữ giáo viên hơn 8 năm sống khỏe dù mắc 3 bệnh ung thư cùng lúc nhờ làm 1 việc, bác sĩ cũng khen tốt

DIỆU THUẦN - Ngày 29/07/2024 12:05 PM (GMT+7)

Mắc bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư phổi giai đoạn muộn, bà Thuận liên tiếp phải làm phẫu thuật cắt bỏ khối u, trải qua gần 50 đợt hóa trị, 25 lần xạ trị. Nhưng nhờ tinh thần lạc quan, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, bà đã “sống khỏe” với bệnh tật trong 8 năm.

Từng có suy nghĩ, ung thư là “án tử”

Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư về đường tiêu hóa, đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới và đứng thứ 5 về tỷ lệ tử vong trên thế giới. Tại nước ta, căn bệnh ung thư này nằm trong 6 bệnh ung thư thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. 

Theo các bác sĩ, ung thư đại trực tràng nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh có khả năng điều trị thành công. Nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, các tế bào ung thư đã tách khỏi khối u ban đầu, di chuyển theo con đường mạch máu và mạch bạch huyết đến các vị trí khác để hình thành khối u di căn tại các cơ quan ngoài đại trực tràng. Đến lúc này, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, cơ hội sống của người bệnh cũng được rút ngắn đi rất nhiều. Lúc này, nếu người bệnh có tinh thần lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị thì “phép màu” sẽ xảy ra.

Bà Thuận vui vẻ trong một lần đi du lịch. Ảnh: NVCC.

Bà Thuận vui vẻ trong một lần đi du lịch. Ảnh: NVCC.

Bà Phan Thị Thanh Thuận (68 tuổi, ở Hà Nội), là một giáo viên cấp 2 đã nghỉ hưu. Sức khỏe của bà trước đây hoàn toàn bình thường. Năm 2016, bà thấy có các biểu hiện bất thường ở đường tiêu hóa nhưng không đi khám.

Một lần, bà đưa bạn đến bệnh viện khám bệnh và tranh thủ nhờ bác sĩ tư vấn luôn cho mình. Nghe bà nói về các dấu hiệu, vị bác sĩ tư vấn cho bà nên làm nội soi. Kết quả cho thấy, bà có một khối u lớn trong đại tràng. Khối u sần sùi như da cóc, có nguy cơ vỡ, nếu không phẫu thuật cắt bỏ. 

Ngay ngày hôm sau, ca phẫu thuật cắt bỏ khối u ở đại tràng của bà Thuận được thực hiện và thành công. Khối u sau đó được sinh thiết, cho kết quả là ác tính. Khi mọi thứ của cuộc sống đang bình thường, nghe bác sĩ thông báo bản thân đã bị ung thư giai đoạn muộn, nữ giáo viên khi đó 60 tuổi vô cùng hoảng loạn. “Trước đó, ung thư với tôi như là một “án tử”. Nên khi bản thân mắc bệnh, tôi đã liên tục dằn vặt, vật lộn trong mớ suy nghĩ tiêu cực, rồi không thể ăn và ngủ được”, bà Thuận nhớ lại.

Chiến thắng bệnh nhờ nhận được tình yêu thương của mọi người, chồng con

Khi bình tĩnh lại, bà Thuận nhận ra cần phải chấp nhận bản thân mắc bệnh. Bà nhanh chóng lấy lại tinh thần và hợp tác điều trị theo phác đồ của bác sĩ. 

Những năm qua, ngoài ăn uống, bà Thuận thường xuyên đi du lịch, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC.

Những năm qua, ngoài ăn uống, bà Thuận thường xuyên đi du lịch, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC.

Tháng 4/2018, sau gần 2 năm điều trị, một vài chỉ số xét nghiệm ung thư đại trực tràng của bà nằm trong ngưỡng cho phép. “Dù không đẹp như trong tranh nhưng cũng thở phào vì nằm trong ngưỡng cho phép. Bác sĩ hẹn 3 tháng nữa tái khám. Vậy là cũng vui lắm rồi”, bà Thuận viết trên trang cá nhân.

Không ngờ rằng, chưa đầy 2 tháng sau, bà phát hiện có khối u ở ngực. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bà mắc thêm ung thư vú giai đoạn 3. Khi bệnh ung thư vú trị chưa dứt, bà phát hiện thêm ung thư phổi giai đoạn muộn vào cuối năm 2019. Bà cho biết, dù bản thân từng rất mạnh mẽ chiến đấu với ung thư, nhưng 3 lần liên tiếp phải nghe bác sĩ nói bản thân mắc căn bệnh quái ác và bệnh nào cũng ở giai đoạn muộn khiến bà như rơi xuống vực thẳm. Bà viết trên trang cá nhân: “Cả đời tôi chưa làm hại ai, làm đau ai, vậy mà đành phải lần lượt chấp nhận cắt đi một bộ phận trên cơ thể mình. Đau lắm”. 

Sau mỗi ca phẫu thuật cắt bỏ khối u thành công, bà phải trải qua tổng cộng có 47 lần truyền hóa chất, 25 lần xạ trị. Mỗi lần cách nhau 2 - 3 tuần. “Truyền thuốc nhiều tới nỗi, toàn bộ ven tay của tôi hỏng hết, phải đặt một buồng truyền cố định ở ngực thay cho truyền ven”, bà Thuận nhớ lại. Sau đó, bà phải mất một tuần nôn ói, cơ thể rệu rã, không thể ăn, ngủ được và phải di chuyển bằng xe lăn. Có những lúc, bà tưởng như mình không vượt qua nổi, muốn từ bỏ việc điều trị. Nhưng chồng và các con bà không đồng ý. Họ nói: “còn người là còn tất cả, chỉ cần tôi ở lại với gia đình”.

Con gái bà ôm mẹ thủ thỉ: “mẹ cố lên. Mẹ là số 1”. Rồi những lần tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, đợt truyền hóa chất, xạ trị, nhìn thấy nước mắt người thân ai cũng rưng rưng, bạn bè, đồng nghiệp, các học trò đều gửi tin động viên, bà Thuận một lần nữa tự nói với mình: phải sống và phải sống thật khỏe mạnh, vui vẻ.

Thường xuyên đi du lịch, tích cực tham gia các hoạt động xã hội

Cách chiến đấu với ung thư của bà Thuận là luôn giữ tinh thần lạc quan, ý chí kiên tường. Đây cũng là khuyến cáo của Bệnh viện K với bệnh nhân ung thư. Bởi khi lạc quan, suy nghĩ tích cực, thần kinh trung ương sẽ “chỉ đạo” sản sinh ra morphine giảm đau, đồng thời kích hoạt hệ miễn dịch hữu hiệu đối với nhiều loại ung thư. Hệ miễn dịch chính là hàng rào phòng thủ hoạt động hiệu quả nhất để chống lại bệnh. Thậm chí, nếu hệ miễn dịch hoạt động tốt thì những tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư đến 80 - 90%.

Bà Thuận tham gia một chương trình về bệnh nhân ung thư mới đây. Ảnh: NVCC.

Bà Thuận tham gia một chương trình về bệnh nhân ung thư mới đây. Ảnh: NVCC.

Vì vậy, những năm qua ngoài thời gian phải đến bệnh viện thăm khám, truyền thuốc bà Thuận ăn uống đủ chất, dành thời gian tập hát, đi du lịch cùng gia đình, bạn bè. Nếu như trước đây, bà cho rằng, ung thư là “án tử” thì giờ đây, bà chẳng còn quan tâm đến cái “án tử” ấy nữa. Với bà, “đau đâu chữa đó, ung thư không phải là hết. Sống như chỉ sống một ngày và hãy làm những gì mình yêu thích, mình muốn làm". Với cách nghĩ như vậy nên ngoài những ngày vào bệnh viện truyền hoá chất là tôi lại cùng người thân, bạn bè đi du lịch.

Trong một chương trình về du lịch mới đây, bà Thuận giới thiệu: “Tôi là giáo viên THCS nghỉ hưu, lại mang trong mình 3 ung thư. Tôi muốn sống như bao người đã sống. Vốn dĩ là người rất thích du lịch, thích khám phá những miền đất thân yêu của Tổ quốc. Khi bị bệnh ung thư, đi du lịch là liều thuốc bổ cho tôi nghị lực, cho tôi sức mạnh để chiến đấu chống lại căn bệnh quái ác”.

Theo bà Thuận, chính sự vui tươi, lạc quan của bản thân đã giúp bà sống vui, sống khỏe với bệnh ung thư trong hơn 8 năm qua. Trong lần tái khám ung thư vào tháng 5 vừa qua, kết quả chụp chiếu của cả 3 bệnh ung thư của bà đều cho kết quả bình thường, không phát hiện các tổn thương khác. “Với những người dính ung thư đều có tâm trạng: thở phào, sống tiếp hay thêm cái gì nữa khi khám định kỳ. Của tôi là thở phào”, bà Thuận vui vẻ chia sẻ niềm vui kèm kết quả các phiếu khám lên trang cá nhân.

Bỏ viện đi chữa lành, điều dưỡng mắc ung thư rơi vào tình trạng vô phương cứu chữa
Bị ung thư phổi nhưng nữ điều dưỡng không điều trị theo phác đồ của bác sĩ mà chọn phương pháp nhịn ăn "chữa lành" khiến cơ thể suy nhược, tế bào ung...

Bệnh ung thư

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư