Vừa chăm cháu vừa nướng mực bằng cồn, bà ngoại châm cồn khi thấy lửa gần tắt khiến ngọn lửa bùng lên làm cháy xém tay bà ngoại, cháy vào mặt, ngực và tứ chi trẻ.
Trang thông tin của Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi tên Thảo My, 6 tháng tuổi ở Đồng Nai, nhập viện trong tình trạng sốc với mạch nhẹ chi mát, huyết áp khó đo, diện tích bỏng khoảng 35%.
Theo thông tin từ người nhà với nhân viên y tế, trước khi nhập viện 3 tiếng, bé My được bà ngoại bế. Khi đó, bà vừa chăm cháu vừa nướng mực bằng cồn, khi gần hết lửa, bà châm cồn thêm gây phựt lửa cháy xém vào tay bà và mặt cũng như phần ngực, chân tay cháu. Mẹ bé thấy vậy liền chạy tới bồng con và lấy tay dập lửa cho trẻ, cũng bị bỏng luôn. Gia đình đã mau chóng đưa trẻ vào bệnh viện địa phương sơ cứu và chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bé gái 6 tháng tuổi bị bỏng cồn, được điều trị tích cực tại khoa hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Ảnh: BVNĐTP.
Tại khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé My được các bác sĩ truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương bỏng, sau đó chuyển đến khoa hồi sức ngoại điều trị tiếp. Trẻ được chăm sóc vết bỏng bằng các dung dịch sát trùng không gây đau và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết hợp với chăm sóc dinh dưỡng hợp lý. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng vết thương của trẻ đã cải thiện và lành dần.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố khuyến cáo, các phụ huynh cần cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà bởi mọi hành vi của người lớn có thể gây nguy cơ tổn thương đối với trẻ nhỏ. Trong trường hợp chẳng may trẻ bị bỏng nước sôi hay lửa, cần đưa trẻ ra nơi an toàn, xối nước sạch lên chỗ vết thương để làm dịu, bớt đau, rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, đúng cách.