Thói quen con nhìn mờ mờ là đưa con ra cửa hàng kính đo độ cận và đeo thử kính, thấy con sáng mắt hơn mặc nhiên con bị cận, đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều bé từ cận giả thành cận thật.
Mờ mắt là cửa hàng kính
Đưa con đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 kiểm tra mắt, chị Trương Thị Mận trú tại Thanh Xuân, Hà Nội giật mình vì vài tháng qua con chị đeo kính một cách thiếu khoa học khiến tình trạng tật khúc xạ của bé nặng hơn.
Chị Mận cho biết con gái chị 7 tuổi, bé thường nhìn cận ti vi và khi viết thấy con cúi gằm mặt xuống, chị đã thay đổi khoảng cách cho con với sách vở nhưng không được. Vợ chồng chị đưa con ra cửa hàng kính đo mắt và cắt. Bác sĩ cho biết bé bị cận 2,5 diop và đưa kính bé đeo thử thấy sáng mắt.
Về nhà, vợ chồng chị yên tâm mắt con cận đã có kính nên chẳng kiểm tra. Gần đây, bé thường xuyên mỏi mắt, đeo kính thấy choáng nên bố mẹ bé lại đưa con đi kiểm tra. Sau khi đo mắt, theo dõi nhỏ thuốc giãn đồng tử và các biện pháp chuyên môn, bác sĩ cho biết bé chỉ cận 0,5 độ chứ không phải hơn 2 diop như cửa hàng kính kia đã chẩn đoán cho bé.
Thói quen con nhìn mờ mờ là đưa ra cửa hàng kính mắt thời trang cắt không phải là hiếm mà diễn ra phổ biến. Cửa hàng nào cũng nhận đo mắt miễn phí, nhanh chóng, thuận tiện mà nhiều phụ huynh phó mặc đôi mắt của con mình cho cửa hàng kính.
Trẻ đến khám mắt tại BV Mắt Hà Nội 2
Tuy nhiên, theo PGS Hà Huy Tài – Chuyên khoa Nhãn nhi Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 việc đo mắt cận rất khó và tinh tế.
Tình trạng cận thị giả được bắt gặp nhiều nhất vào mùa thi cử. Nguyên nhân chủ yếu do co quắp điều tiết. Cận thị thường có tiến trình phát triển bệnh rõ ràng chứ không làm mờ nhanh trong thời gian ngắn.
Sai lầm của bố mẹ là không cho con tới cơ sở Nhãn khoa mà tới hàng kính. Khi trẻ đeo kính vào thì sáng, dễ dẫn tới tưởng đeo kính là ổn. Tuy nhiên, đeo kính một thời gian thì không thấy phù hợp nữa, rất khó chịu.
Tại các cơ sở thăm khám Nhãn khoa có uy tín, trẻ sẽ được đo cận bằng các phương pháp khách quan (không phụ thuộc vào chủ quan bệnh nhân). Thêm vào đó, trẻ sẽ được kiểm tra bằng những test đặc thù, nhằm loại bỏ nguy cơ chẩn đoán Cận thị giả.
Bình thường, các phòng khám tư nhân & bệnh viện đều có quyền kê kính. Tuy nhiên, có một số cơ sở (đặc biệt là phòng khám tư) không có bác sĩ mà chỉ có kỹ thuật viên thử kính, thậm chí kỹ thuật viên cũng không được đào tạo bài bản.
Thứ nhất, trình độ chuyên môn yếu dẫn tới việc đo đạc không chính xác. Thứ hai, các cơ sở tư nhân thường có xu hướng chạy theo lợi nhuận mà cấp luôn đơn kính cho người bệnh.
Có trường hợp đo mắt thấy 9, 10/10. Nhưng khi đo bằng máy thì cận nhẹ 0.5. Khi được hỏi, trẻ sẽ nói thấy mắt sáng hơn. Từ đó, bố mẹ quyết định sẽ cho trẻ đeo luôn.
PGS Tài cho biết ở Việt Nam, chỉ có bác sĩ mới có quyền được ký đơn cấp kính chứ không phải kỹ thuật viên cửa hàng kính như hiện nay.
Chữa cận thị như nào
Theo bác sĩ Tài tỉ lệ cận thị của các đối tượng từ 15 - 16 tuổi ở nội thành khoảng 35 - 38%, ngoại thành 20 – 25%. Tỉ lệ này phụ thuộc nhiều vào điều kiện học tập và tình hình kinh tế. Nhiều lớp có thể lên tới 70 - 80% số học sinh mắc cận thị.
Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có một điều tra nào về Tật Khúc xạ ở trẻ em trên toàn quốc (mới chỉ có địa phương). Điều tra cần phải mang tính Dịch tễ học. Vì vậy, tỉ lệ chính xác chưa được xác định.
Nhưng PGS Tài cho rằng tỉ lệ trung bình tại các trường tiểu học khoảng 15%; cấp 2 là 25%, cấp 3 đến 35%. Tỉ lệ này thường thay đổi phụ thuộc vào các yếu tố như địa lý (thành thị - nông thôn); chăm học – lười học, trường chuyên - lớp chọn, v.v…
Hiện nay có ba biện pháp điều trị tật khúc xa đó là
- Đeo kính: an toàn nhất nhưng khó chịu, bất lợi
- Đeo kính tiếp xúc/ kính áp tròng: bao gồm 2 loại: đeo thường xuyên & đeo ban đêm để chỉnh được độ cận/loạn; Sáng hôm sau có thể bỏ ra; Kỹ thuật này (Ortho-K) chỉ mới được phát triển một vài năm trở lại đây
- Phẫu thuật Khúc xạ: chỉ được thực hiện trên người trưởng thành, thường trên 18 tuổi và khi độ khúc xạ đã có dấu hiệu ổn định. Người bệnh có thể can thiệp sớm trước 1 – 2 năm nếu có nhu cầu đặc biệt (đăng ký học/làm việc vào những nơi đòi hỏi thị lực tốt như công an, quân đội, hàng không, du học…). Những trường hợp này phải ký cam kết trước khi phẫu thuật.