Bé 9 tuổi hỏng mắt dù không xem tivi, điện thoại nhưng lại có thói quen tưởng là rất tốt

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 30/06/2021 20:30 PM (GMT+7)

Dù không dùng thiết bị điện tử quá nhiều nhưng bé trai 9 tuổi vẫn bị cận thị sau thời gian nghỉ dịch do duy trì thói quen đọc sách không đúng cách.

Trẻ không xem nhiều điện thoại, tivi nhưng vẫn bị cận thị 

Với tình hình dịch bệnh phức tạp, đặc biệt thời gian ở nhà lâu dễ khiến trẻ gặp nhiều hệ lụy về sức khỏe, trong có vấn đề về mắt. Thậm chí, có những gia đình tưởng chừng quản lý chặt, không cho trẻ xem thiết bị điện tử nhưng mắt con vẫn gặp vấn đề và phải đến bệnh viện khám.

Điển hình như bé V.M.K.N. (9 tuổi), ở Đống Đa, Hà Nội. Sau thời gian ở nhà học online vì dịch, sau đó nghỉ hè, thị lực của em bất ngờ suy giảm. Gia đình chia sẻ, gần đây, bé chỉ xem điện thoại, đọc sách một lúc là kêu mỏi mắt, phải ghé sát mới đọc được…

Quá lo lắng, gia đình đưa con đến Bệnh viện Mắt Hà Nội khám. Tại đây, sau khi khám và đo thị lực, các bác sĩ kết luận bé N. bị cận thị và bắt buộc phải đeo kính để không tăng độ cận. 

Gia đình bé N. cho biết, mấy tháng nay ở nhà, cháu được bà nội (là giáo viên về hưu) quản lý rất chặt. Ngoài lúc học online, cháu không được tự do xem tivi, điện thoại. Bà chỉ cho phép cháu được đọc truyện, đọc sách gần như mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, khi bác sĩ kết luận cháu cận thị, gia đình rất lo lắng vì những lần khám và đo thị lực trước đó bé N. không hề có dấu hiệu bị cận thị.

Trẻ đọc sách là tốt nhưng không nên nhìn quá gần hoặc đọc quá lâu. (Ảnh minh họa)

Trẻ đọc sách là tốt nhưng không nên nhìn quá gần hoặc đọc quá lâu. (Ảnh minh họa)

Ths.BS Mai Thị Anh Thư - Trưởng Khoa Khám Bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) cho biết, những trường hợp bị cận thị như bệnh nhi trên không hiếm. Nhiều người vẫn cho rằng trẻ cận thị là do dùng thiết vị điện tử nhiều. Thực tế, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này tới nay chưa có chứng cứ rõ ràng. Việc xem thiết bị điện tử chỉ làm tăng nguy cơ cận thị ở trẻ. 

Ngoài ra, thói quen nhìn gần khi đọc truyện, sách báo ở trẻ cũng làm tăng nguy này. Đó là lý do nhiều người dù không dùng điện thoại, không xem tivi nhưng vẫn cận thị.

Đối với việc đọc sách, các bác sĩ cho biết đây là thói quen tốt, tuy nhiên cần cân đối thời gian để mắt nghỉ, đồng thời giữ khoảng cách đọc hợp lý. Tuyệt đối tránh đọc sách quá gần, trong thời gian dài, ở nơi thiếu sáng.

Sau mỗi đợt nghỉ dịch số trẻ đến khám mắt lại gia tăng

Bác sĩ Anh Thư cho biết thực tế tại BV Mắt Hà Nội 2 cho thấy, sau mỗi đợt nghỉ dịch COVID-19, số trẻ trong độ tuổi học đường đến khám về mắt lại tăng lên.  

Bác sĩ Lê Thị Chính - Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng cho biết, vấn đề chung của các gia đình cho con đến khám mắt hiện nay là thị lực của trẻ kém, suy giảm nhanh. Lý do hay gặp nhất là thời gian rảnh rỗi ở nhà quá nhiều, trẻ không biết làm gì khác ngoài giải trí với các trò chơi trên mạng, xem tivi hoặc đọc sách….

Theo bác sĩ Chính, ngay cả khi không dùng các thiết bị di động thì việc ở trong không gian hẹp quá lâu với tầm nhìn ngắn cũng khiến thị lực giảm. Ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất ngoài trời đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng sức khỏe của mắt. 

Trẻ đến khám thị lực tại BV Hà Đông trong đợt nghỉ dịch COVID-19.

Trẻ đến khám thị lực tại BV Hà Đông trong đợt nghỉ dịch COVID-19.

Đặc biệt với nhóm trẻ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì mải chơi sẽ dễ bị cận thị.

"Những trẻ xem ti vi quá gần cũng cần lưu ý. Nếu như ngày nào trẻ cũng xem tivi hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới tivi dưới 3m sẽ làm cho thị lực giảm rất nhiều...", bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Cùng với cận thị, các bác sĩ cũng tiếp nhận khám cho nhiều trẻ bị "mỏi mắt kỹ thuật số". Các triệu chứng gồm mờ mắt, nhức đầu và mỏi mắt, mắt thiếu linh hoạt. Nhiều trẻ cũng bị chảy nước mắt, nóng rát, dụi mắt thường xuyên hơn, khô và cảm giác có dị vật trong mắt. Các triệu chứng thường giảm dần sau vài giờ, tuy nhiên hiện y khoa chưa nghiên cứu rõ liệu tình trạng này có để lại hậu quả lâu dài hay không.

Hãy tuân thủ quy tắc 20-20-20

Theo bác sĩ Chính, để làm chậm sự phát triển của cận thị và tránh các vấn đề về mắt, các bậc phụ huynh nên định kỳ từ 3 đến 6 tháng cho trẻ đi khám mắt một lần tại các cơ sở y tế và dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho trẻ hoạt động thể chất ngoài trời.

Cần lưu ý quy tắc 20-20-20, có nghĩa là sau 20 phút nhìn màn hình, cần cho mắt nghỉ 20 giây, nhìn xa 20 mét.

Cần lưu ý quy tắc 20-20-20, có nghĩa là sau 20 phút nhìn màn hình, cần cho mắt nghỉ 20 giây, nhìn xa 20 mét.

Trong trường hợp gia đình không có sân vườn, bố mẹ nên tạo điều kiện cho con tham gia trò chơi hoặc các hoạt động thể chất để trẻ rời xa máy tính, tivi hoặc điện thoại.

Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ áp dụng quy tắc nghỉ ngơi 20 giây sau mỗi 20 phút sử dụng màn hình, và hướng ánh mắt nhìn đi nơi khác ở khoảng cách hơn 20m. Đặc biệt, nên nhắc trẻ chớp mắt khi nhìn vào màn hình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều chớp mắt ít hơn so với bình thường khi nhìn chằm chằm vào màn hình, điều này có thể gây căng thẳng và khô mắt. Đối với các triệu chứng khô mắt cần nhỏ nước muối sinh lý để vệ sinh mắt.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho trẻ ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, đồng thời quan tâm và phát hiện sớm cận thị ở trẻ (khi trẻ xem ti vi mà nheo mắt, kêu nhức mắt…) cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách đeo kính phù hợp cũng như cách chăm sóc, bảo vệ đôi mắt. Với trẻ đã cận thị, đeo kính là biện pháp an toàn nhất. Hiện nay, dù có các phương pháp phẫu thuật nhưng phải đợi đến khi trẻ  trên 18 tuổi, độ cận đã ổn định mới thực hiện được.

Trẻ mắc bệnh về mắt này còn tai hại hơn cận thị, 1 mẹo nhỏ có thể nhận biết bệnh
Chúng ta thường vẫn thường chỉ quan tâm đến một số tật khúc xạ như cận thị và loạn thị mà quên mất rằng nhược thị cũng là một trong những tật khúc xạ...

Bệnh mắt

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan