Bé gái 14 tuổi dù đã dậy thì nhưng mãi không có kinh nguyệt, thường xuyên xuất hiện cơn đau bụng âm ỉ nên đi khám và phát hiện bất ngờ phía sau.
Đau bụng âm ỉ đi khám phát hiện bất thường ở màng trinh
Bé gái N.M.T (14 tuổi, Hà Nội) nhìn bề ngoài khá phổng phao, gia đình cho biết cháu đã dậy thì và có nhiều thay đổi về mặt hình thể, tuy nhiên lại không xuất hiện kinh nguyệt. Gần đây, bé T hay bị đau bụng âm ỉ, đau vùng thắt lưng và tình trạng ngày càng tăng nặng nên đã được gia đình đưa đi khám.
Qua thăm khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết cho thấy, màng trinh của bé gái này không thủng. Kết quả siêu âm phát hiện, trong buồng tử cung có dịch dày 11mm, niêm mạc dày 9mm. Vị trí âm đạo có dịch vẩn đục không đồng nhất, thông với dịch trong buồng tử cung.
Với kết quả thăm khám trên, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bế kinh do màng trinh không thủng. Đây là tình trạng dù có kinh nguyệt nhưng không thoát ra ngoài được gây các cơn đau tại vùng hạ vị. Bé T sau đó được tư vấn thực hiện phẫu thuật rạch màng trinh để làm thoát máu kinh ra ngoài.
Hình ảnh siêu âm cho thấy trong buồng tử cung có dịch dày 11mm, niêm mạc dày 9mm. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Nguyễn Hải Duyên, điều trị cho bé T. chia vẻ với trường hợp này, tỉ lệ mắc bệnh là 1/1.000. Theo đó, do màng trinh không có lỗ thủng nên dẫn tới tình trạng ứ máu kinh trong tử cung - âm đạo, ứ lại trong buồng tử cung, âm đạo, có thể tràn qua hai bên vòi trứng vào ổ bụng.
Bác sĩ Duyên nhận định, với tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm như ứ dịch máu vòi trứng hai bên, vỡ vòi trứng, viêm nhiễm tử cung và vòi trứng do sự ứ đọng máu kinh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Theo bác sĩ Duyên, việc chẩn đoán tình trạng bế kinh do màng trinh không thủng tương đối đơn giản, dựa vào lâm sàng và một số kỹ thuật cận lâm sàng thực hiện siêu âm, chụp cộng hưởng từ để xác định và đưa ra chẩn đoán.
Phụ huynh cần quan tâm đến con tuổi dậy thì
Bác sĩ Duyên cho biết, ở tuổi dậy thì hay còn gọi là tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu nhi sang tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn mà mỗi bạn trẻ đều có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm lý, sinh lý cũng như thể chất. Do vậy, việc chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì cho trẻ, đặc biệt là trẻ nữ đóng vai trò quan trọng.
Bác sĩ tư vấn, với trẻ dậy thì phụ huynh cần quan tâm thường xuyên để phát hiện bất thường, đưa đi khám kịp thời. Ảnh minh họa.
Đối với trẻ nữ, tuổi dậy thì được đánh dấu bằng kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường, biểu hiện là chảy máu ra ngoài âm đạo do bong niêm mạc tử cung. Kinh nguyệt có tính chất định kỳ hàng tháng, là kết quả của sự thay đổi nội tiết buồng trứng trong cơ thể. Với vòng kinh bình thường khoảng 22-35 ngày, trung bình là 28-30 ngày, thời gian hành kinh từ 3-7 ngày.
Bác sĩ Duyên khuyến cáo, các gia đình có bé gái đang ở độ tuổi dậy cần đặc biệt chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt, xem có đều đặn hay có điều gì bất thường xảy ra không. Khi đến tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám sản khoa để có thể phát hiện bất thường. Theo đó, bất thường thường gặp là:
- Dị tật bẩm sinh không có âm đạo và tử cung: Bệnh nhân đến tuổi dậy thì phát triển hoàn toàn bình thường nhưng không có kinh nguyệt. Sau khi phẫu thuật tạo hình âm đạo, bệnh nhân vẫn có thể có thiên chức làm mẹ và làm vợ hoàn toàn bình thường;
- Dị tật màng trinh không thủng hoặc hẹp/dính phần đầu của âm đạo: Bệnh nhân có kinh nguyệt nhưng không thoát ra ngoài được gây các cơn đau dữ dội từng cơn tại vùng hạ vị. Bác sĩ sẽ cần trích rạch màng trinh hoặc có thể phải tạo hình phần đầu âm đạo.
Do đó, nếu nhận thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường, gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.