Một bé gái đã phải cắt cụt ngón tay chỉ vì cách cầm máu sai lầm của người bà. Hành động này cần phải dừng lại ngay!
Mới đây sự việc ở Đại Khánh, Hắc Long Giang, Trung Quốc, một bé gái 9 tuổi phải cắt cụt ngón tay giữa do hành động cầm máu sai lầm của bà đã khiến nhiều người sửng sốt.
Theo lời kể của bố đứa trẻ, bé gái đã không may bị kẹp tay vào cánh cửa của gia đình dẫn tới bị thương chảy máu. “Cánh cửa nhà tôi khá nặng, khi con gái tôi đi qua cũng là lúc gió thổi khá lớn khiến cánh cửa đóng sập lại làm tay của con chảy máu.” Người cha kể lại.
Lẽ ra theo thường lệ phải rửa sạch vết thương và dùng băng gạc băng bó, nhưng người bà của bé gái lại áp dụng một phương pháp đó là rắc vài hạt tiêu lên vết thương hở của cháu để cầm máu.
Mặc dù sau đó máu đã ngừng chảy nhưng không may lại bị nhiễm trùng vết thương. Khi đến bệnh viện, tình trạng nhiễm trùng đã nghiêm trọng, không thể cứu chữa buộc phải cắt bỏ ngón tay. Gia đình lúc này vô cùng hối hận và lo lắng con gái sẽ bị ảnh hưởng tâm lý về sau.
Sau sự việc này, cư dân mạng đã chỉ trích rất nhiều về cách xử lý của gia đình bé gái. Thực tế, có không ít những trường hợp trẻ nhỏ bị chảy máu hay bị bỏng, thay vì đưa tới bệnh viện, các gia đình lại áp dụng những phương pháp truyền miệng, dân gian không đảm bảo an toàn khiến trẻ nhỏ rơi vào tình trạng nguy hiểm, khi đến viện thì đã quá muộn.
Các bác sĩ cảnh báo, nếu trẻ bị trầy xước nghiêm trọng và không thể cầm máu, tuyệt đối không rắc muối, bột hay rượu,… lên vết thương. Cách tốt nhất là rửa sạch vết thương, sử dụng miếng gạc hoặc khăn sạch để cầm máu. Sau đó ngay lập tức đưa nạn nhân tới bệnh viện.
Những phương pháp sơ cứu nhiều người áp dụng dễ khiến trẻ gặp nguy hiểm
Chữa bỏng bằng kem đánh răng, lòng trắng trứng
Cách chữa bỏng đúng cách.
Việc thoa kem đánh răng hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng không những không chữa được mà còn che phủ bề mặt vết thương khiến bác sĩ không thể xác định ngay kích thước và độ sâu của vết thương. Đồng thời, còn dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và nhiễm trùng vết thương.
Cách tốt nhất là rửa qua vết bỏng dưới vòi nước mát khoảng 15-20 độ C hoặc đặt khăn sạch, gạc sạch thấm nước đặt lên vết thương và mau chóng tới viện.
Dốc ngược trẻ khi trẻ bị đuối nước
Phương pháp này nếu được sử dụng sẽ trì hoãn thời gian giải cứu tối ưu và gây tử vong thứ cấp. Tốt nhất nên mau chóng đặt nạn nhân nằm xuống, làm sạch mũi họng, gọi cấp cứu tới. Nếu cần thiết có thể tiến hành hồi sức tim phổi.
Uống dấm để trị hóc xương
Nhiều người cho rằng uống dấm khi hóc xương sẽ giúp làm mềm xương, khiến nó trôi xuống. Tuy nhiên đây là cách làm sai lầm.
Cách giải quyết đúng đó là đặt dụng cụ đè lưỡi, ấn nhẹ và quan sát toàn bộ vòm miệng, Nếu thấy xương có thể gắp ra bằng nhíp. Nếu không thể thấy hãy mau chóng đưa trẻ tới viện.
Ngửa đầu khi bị chảy máu cam
Ngẩng đầu không chỉ có hại khi cầm máu mũi mà còn khiến máu chảy ngược vào họng, thực quản, khí quản và dạ dày, gây khó chịu và buồn nôn. Bệnh nhân chảy máu mũi quá nhiều cũng sẽ nôn ra máu.
Để tiến hành cầm máu đúng, nên ngồi xuống, hơi nghiêng về phía trước, mở miệng, dùng miệng để thở. Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ ở hai bên mũi, trong 10 phút.
Nếu có thể, hãy đặt một túi nước đá nhỏ lên sống mũi để cầm máu nhanh chóng. Nếu bạn vẫn chảy máu, di chuyển vị trí bóp mũi nhẹ cho đến khi máu ngừng chảy. Nếu không thể cầm máu, hãy đi khám ngay lập tức.