Các bác sĩ nhận định, nhiều khả năng hành động ôm hôn em bé của thầy giáo tiếng Anh (bệnh nhân 1347) là nguyên nhân trực tiếp lây bệnh.
Hôn trẻ có thể là con đường khiến trẻ lây nhiễm COVID-19 nhanh nhất
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân 1348 là em bé 1 tuổi bị nhiễm COVID-19 vừa được Bộ Y tế công bố chiều ngày 1/12, cơ quan chức năng đã điều tra dịch tễ và xác định nguồn lây từ bệnh nhân 1347.
Hiện tại, qua điều tra truy vết, lực lượng chức năng xác định có 17 người tiếp xúc gần (F1) đã được đưa đi cách ly, ngoài ra em bé này còn được gia đình đưa đi rất nhiều nơi. Hiện tại, bệnh nhân 1348 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), sức khỏe ổn định, không có triệu chứng.
Tại bệnh viện, qua ghi nhận bệnh sử (do cha mẹ cháu bé cung cấp) được biết, trong thời gian tiếp xúc với thầy giáo dạy tiếng Anh (bệnh nhân 1347) cháu bé được bệnh nhân 1347 ôm, hôn, nựng má liên tục… Các bác sĩ cảnh báo, việc ôm hôn này có thể là nguyên nhân khiến cháu bé bị lây bệnh. “Chúng tôi một lần nữa xin cảnh giác quý phụ huynh vì những động tác ôm hôn không cần thiết ở trẻ nhỏ”, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông báo.
Cần phải bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 gia tăng.
Thực tế, việc ôm hôn trẻ làm gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 cũng như nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác là điều đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu. PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, COVID-19 cũng tương tự như các loại virus khác lây truyền qua 2 đường chính đó là đường tiếp xúc trên bề mặt vật dụng và giọt bắn. Do đó, cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ tại nhà hoặc những vị trí như tay nắm cửa bằng chất cồn hoặc dung dịch sát khuẩn để loại bỏ vết bẩn cũng như vi khuẩn, virus nhằm hạn chế sự lây nhiễm.
“Nếu người lớn vô tình ôm ấp, hôn trẻ thì có thể khiến giọt bắn từ người nhiễm bệnh lây cho trẻ nhỏ, cho nên cần giảm bớt hoặc không có các hành động ôm hôn trẻ”, PGS Trần Minh Điển khuyến cáo.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thuý - Trưởng Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, người lớn không nên hôn, thơm má trẻ không chỉ để phòng COVID-19 mà còn phòng nhiều bệnh khác.
Để phòng COVID-19 cho trẻ, PGS Diệu Thúy cho rằng, thông thường mẹ là người gần bé nhất, là nguồn lây trực tiếp với đứa trẻ. Vì vậy các bà mẹ cần lưu ý, để tránh lây nhiễm cho con, cần hạn chế đi lại nơi đông người, hạn chế đi vào vùng công bố dịch hoặc đã có người nhiễm COVID-19, đeo khẩu trang thường xuyên khi đi ra ngoài.
Thực hiện vệ sinh tay chân, toàn thân, thậm chí thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ. Giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa vì virus hoạt động yếu hơn khi nhiệt độ nóng. Hạn chế thăm nom, ôm ấp và hôn trẻ vì bệnh rất dễ lây qua đường giọt bắn. Người mẹ cần tự bảo vệ con mình khỏi các nguy cơ lây nhiễm và mỗi người chúng ta đều nên có ý thức bảo vệ con mình.
Bé trai 1 tuổi (bệnh nhân 1348) đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Nhiều bệnh khác có thể lây qua nụ hôn
Các chuyên gia cho rằng, nếu xét về mặt lý thuyết những bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, lây truyền qua nước bọt hoặc tiếp xúc trực tiếp đều có thể lây qua nụ hôn. Điển hình như vi khuẩn lao, não mô cầu,... hoặc virus như cúm, sởi, quai bị...
Các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như virus Herpes: Khi hôn, tiếp xúc cũng có thể gây các vết loét, mụn nước dạng herpes trên da, thường ở vùng da vùng bán niêm mạc hoặc virus có thể xâm nhập, tồn tại dạng “ngủ” âm thầm trong người, đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động gây chốc mép, zona thậm chí viêm não do herpes.
Hôn trẻ không chỉ làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 mà còn dễ mắc nhiều căn bệnh khác.
Các bệnh lây truyền qua nước bọt: Nhiều virus đường ruột có thể lây truyền qua nước bọt. Có thể kể như Virus gây bệnh tay chân miệng, enterovirus, virus gây bại liệt, tiêu chảy... Nhiều ý kiến cũng cho rằng vi khuẩn gây viêm loét dạ dày H.. Pylory cũng có thể lây qua nước bọt nên những hành vi như mớm thức ăn cho trẻ nhỏ có thể khiến vi khuẩn này lây lan…
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên để người lớn khi đến thăm bế, cọ mũi hay hôn môi trẻ. Hãy mạnh dạn chia sẻ mong muốn không muốn cho trẻ tiếp xúc gần. Thay vì hôn miệng, hôn má có thể hôn lên tóc, lên tay trẻ.