Một cậu bé 3 tuổi đi ngủ và mãi không tỉnh dậy, gia đình vội vã đưa tới viện và nghi ngờ do con ngã đập đầu. Tuy nhiên kết quả cuối cùng lại hoàn toàn khác.
Vào lúc 9h30 tối ngày 4/8, một cậu bé 3 tuổi được gia đình vội vã bế tới bệnh viện Đại Hòa ở Thập Yển, Trung Quốc. “Bác sĩ, xin hãy xem con tôi bị làm sao?”, người đàn ông bế cậu bé nói với giọng cầu xin. Tại phòng khám phẫu thuật thần kinh, bác sĩ nhi Wang Chaojia nhận thấy mắt cậu bé nhắm chặt, môi khô, thở nông và yếu. Ngoài ra, cậu bé không bị chảy máu hay ngạt thở.
“Hơn 1 tiếng trước, con tôi bị ngã, đầu có đau một chút nhưng không có gì khó chịu. 20 phút sau, thằng bé nói muốn ngủ nhưng rồi nó cứ ngủ mãi không tỉnh”, anh Liu, cha cậu bé nói.
Bé trai 3 tuổi bị ngộ độc thuốc dẫn tới hôn mê. (Ảnh minh họa)
Dựa theo lời kể của cha mẹ bệnh nhi, bác sĩ Wang Chaojia đã kiểm tra CT não nhưng không thấy có bất thường nào. Bác sĩ Wang Chaojia ngay lập tức báo cáo tình hình cho bác sĩ Hu Xiaotao, phó khoa Nhi. Sau khi thảo luận, các bác sĩ nghi ngờ có thể cậu bé bị ngộ độc thực phẩm hoặc thuốc chứ không phải do ngã.
Bác sĩ Wang Chaojia sau đó hỏi gia đình rằng đứa trẻ có ăn thứ gì trước khi bị hôn mê hay không. Lúc này, ông nội của bệnh nhi mới nhớ cậu bé lúc trước có nghịch ngợm quanh bàn cạnh giường ngủ của ông, ở đó ông có đặt thuốc olanzapine mà ông thường dùng, có thể đứa trẻ đã ăn loại thuốc đó.
Bé trai nghịch ngợm nên đã uống thuốc loạn thần của ông nội. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Hu Xiaotao cho biết olanzapine là thuốc chống loạn thần, thường được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt, và các triệu chứng lú lẫn, trẻ nhỏ uống nhầm thuốc này nếu không điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho bé trai ngay trong đêm, thực hiện các biện pháp khẩn cấp như truyền dịch và bảo vệ gan. "Đứa trẻ choáng váng và không thể tỉnh dậy chứng tỏ thuốc đã bắt đầu phát tác trong cơ thể bé", bác sĩ Hu Xiaotao nói.
Sau một đêm điều trị, đứa trẻ thoát khỏi nguy hiểm, nhưng vì không biết lượng thuốc mà trẻ uống có gây tổn thương gan và thận hay các cơ quan khác hay không nên bác sĩ khuyên gia đình cho trẻ nhập viện để theo dõi. Đến chiều ngày 6/8, đứa trẻ đã tỉnh dậy, chức năng gan hồi phục tốt, có thể xuất viện.
Trẻ nhỏ thường dễ uống nhầm thuốc do bản tính tò mò, chưa có nhận thức. (Ảnh minh họa)
Theo các bác sĩ, trẻ em uống nhầm thuốc là một trường hợp phổ biến. Nó xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ trong độ tuổi 1-4 tuổi. Bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trẻ em rơi vào trường hợp tương tự.
"Cha mẹ thiếu quan sát, thiếu nhận thức về bảo quản thuốc còn trẻ lại chưa đủ khả năng nhận biết, bản tính tò mò, hay bắt chước người lớn nên rất dễ dẫn tới việc ngộ độc thuốc ở trẻ. Ngoài ra, ngôn ngữ của trẻ không rõ ràng, thường dẫn đến việc điều trị chậm trễ sau khi dùng thuốc", bác sĩ Hu Xiaotao cảnh báo.
Để tránh thảm kịch, cha mẹ cần phải chú ý những điều dưới đây khi bảo quản thuốc:
- Đặt thuốc ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.
- Dạy trẻ không được động tới các loại thuốc nếu không có sự đồng ý của cha mẹ hay người lớn trong gia đình.
- Dạy con cách dùng thuốc an toàn, chính xác và tránh uống thuốc trước mặt trẻ khiến con bắt chước theo.
Một khi phát hiện trẻ đang dùng thuốc, hãy chắc chắn tìm tư vấn y tế kịp thời. Nếu bạn thấy rằng con bạn đã lạm dụng các loại thuốc có tác dụng phụ cao, chẳng hạn như thuốc hạ huyết áp, thuốc trị bệnh tim, thuốc chống động kinh, thuốc chống loạn thần,..., hoặc các hóa chất ăn mòn như iốt, hóa chất giặt,... cần đưa trẻ tới viện ngay lập tức.