Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cấp cứu một bé trai bị sốc tim, viêm cơ tim tối cấp. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bé có dấu hiệu hồi phục.
Bé trai 6 tuổi sốc tim, viêm cơ tim tối cấp sau 2 ngày sốt nhẹ
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mới đây, bệnh viện vừa cấp cứu cho một bé trai bị sốc tim, viêm cơ tim tối cấp.
Đó là bé trai V.T.T (6 tuổi, ngụ ở Tân Hiệp, Kiên Giang). Qua khai thác bệnh sử ghi nhận ngày đầu trẻ sốt nhẹ, than mệt, nhức đầu. Ngày 2: trẻ than mệt, đau ngực, ói, tay chân lạnh.
Trẻ được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim, xét nghiệm troponin I tăng cao, được hỗ trợ hô hấp đặt nội khí quản giúp thở, truyền adrenalin, noradrenalin chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết, bé T nhập cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với nhịp tim nhanh, men tim tăng cao, huyết áp tụt sâu. Từ kết quả siêu âm, trẻ được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim, ngay lập tức được thở máy và dùng thuốc vận mạch và chống loạn nhịp.
Sau đó trẻ tiếp tục được điều trị oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Diễn tiến bệnh vẫn phức tạp, huyết áp và nhịp tim không ổn định.
Phải sau 7 ngày điều trị tích cực, bé T mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhi được cai ECMO, tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa Tim mạch.
Qua trường hợp bé T bác sĩ Tiến lưu ý, vào thời điểm giao mùa, không khí lạnh ngày cận Tết, thời tiết thất thường sáng nóng, tối lạnh có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim. Triệu chứng thường là sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực…
Khi gặp trường hợp trên phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chẩn đoán sớm và xử trí thích hợp.
Trẻ V. T. T (6 tuổi) bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC
Viêm cơ tim là gì?
Viêm cơ tim là tình trạng viêm toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim, nguyên nhân do nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Đây được xem là phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại các tác nhân gây hại như khi nhiễm trùng hoặc bị chấn thương.
Chứng viêm cơ tim có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim, làm rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh hoặc bất thường. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn xuất hiện ở người trẻ tuổi. Tỷ lệ nam giới mắc phải viêm cơ tim cao hơn so với nữ giới. Người bị suy giảm hệ miễn dịch, viêm cơ tim ở trẻ em và trẻ sơ sinh thường có nguy cơ nhiều hơn.
Ở từng mức độ, bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Trong đó, thể tối cấp được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính và suy sụp tuần hoàn trầm trọng, có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị tích cực kịp thời.
Dấu hiệu trẻ bị viêm cơ tim
Dấu hiệu viêm cơ tim ở trẻ có thể khác nhau theo từng độ tuổi, việc nhận biết sớm các triệu chứng cảnh báo giúp trẻ được chăm sóc sớm và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi
Viêm cơ tim cấp ở trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 2 tuổi chủ yếu là do virus. Bệnh thường gây triệu chứng cấp tính nặng và tiến triển rất nhanh. Phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra nếu trẻ có một số biểu hiện như:
- Khó thở;
- Quấy khóc, không chịu bú;
- Ngủ li bì, rên rỉ;
- Bàn tay và bàn chân lạnh, nhợt nhạt;
- Sốt.
Những dấu hiệu này khá mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan vì bệnh có thể diễn tiến rất nhanh, gây biến chứng nếu không điều trị kịp thời.
Trẻ lớn hơn 2 tuổi
Ở mỗi trẻ sẽ có các dấu hiệu khác nhau, nhưng bố mẹ có thể nhận biết dấu hiệu cảnh báo nguy cơ viêm cơ tim qua một số biểu hiện như:
- Trẻ quấy khóc;
- Trẻ bỏ bú, chán ăn;
- Trẻ ngủ mê, khó đánh thức trẻ;
- Trẻ thường rên rỉ, nhất là khi ngủ mê,…
Đối với những trẻ lớn, thanh thiếu niên
Những trẻ lớn, thanh thiếu niên, triệu chứng của bệnh đa dạng hơn như: Sốt, khó thở, ho, thở khò khè, sổ mũi…
Một số trẻ còn xuất hiện thêm triệu chứng ở đường tiêu hóa như: tiêu chảy, buồn nôn, nôn,…
Các biến chứng của viêm cơ tim ở trẻ
Bệnh cơ tim giãn: Cơ tim giãn gây ảnh hưởng đến tâm thất và tâm nhĩ của tim. Bệnh còn có thể dẫn đến loạn nhịp tim, hở van tim và cục máu đông trong tim. Ở một số bệnh nhân, cơ tim giãn được cho là bắt đầu với viêm cơ tim cấp tính.
Suy tim ở trẻ em: Viêm cơ tim cấp ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, dẫn đến suy tim nhanh chóng, thậm chí có thể gây tử vong.
Loạn nhịp tim: Viêm cơ tim có thể gây rối loạn nhịp tim với các biểu hiện: tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức vùng ngực, khó thở, chóng mặt…
Khi nào nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ?
Khi trẻ có những biểu hiện bất thường về nhịp thở, quấy khóc, bỏ bú… hoặc bố mẹ có sự nghi ngờ trẻ mắc phải viêm cơ tim, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay. Vì các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác nên phải làm xét nghiệm mới có thể tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Không những vậy, bệnh ở trẻ có thể diễn biến rất nhanh, gây ra biến chứng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện kiểm tra ngay khi có dấu hiệu bất thường.