Bé trai Thanh Hóa gần 3 tuổi nặng bằng trẻ lên 7, BS cảnh báo một sai lầm chăm con nhiều bố mẹ mắc

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 14/12/2022 16:00 PM (GMT+7)

Dù thấy con to béo nhưng lại hay ốm và có những dấu hiệu bất thường so với các bạn đồng trang lứa, gia đình đưa đi khám bác sĩ yêu cầu phải kiểm tra chuyên sâu để có hướng xử lý, can thiệp kịp thời.

TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, bác sĩ vừa khám và tư vấn cho một bệnh nhi tên Hoàng Thanh Sơn ở Thanh Hóa, mới 35 tháng tuổi nhưng nặng tới 25kg. Theo bác sĩ Hưng, cân nặng của bé Sơn tương đương với trẻ 7 tuổi.

Kết quả thăm khám lâm sàng cho thấy, ngoài dấu hiệu thừa cân rất rõ ràng, bé Sơn còn xuất hiện gai đen ở phần cổ và các nếp gấp. Gai đen là một trong những dấu hiệu kết hợp ở bệnh nhân béo phì rất điển hình với những vệt màu từ nâu nhạt đến đen xuất hiện ở vùng cổ, nách, háng và dưới bầu ngực, các vị trí khác ít gặp hơn.

Người nhà cho biết, cháu bé được sinh non, từ nhỏ chỉ uống sữa công thức và thường xuyên bị ốm vặt. Mỗi lần trẻ ốm, gia đình thường tự mua thuốc điều trị, khỏi ốm thì dừng thuốc. Trong gia đình Sơn, không ai từng béo phì. 

Bé trai gần 3 tuổi béo phì nghi do bị lạm dụng thuốc. Những nốt gai đen trên cổ bệnh nhi rất rõ ràng. Ảnh: BSCC.

Bé trai gần 3 tuổi béo phì nghi do bị lạm dụng thuốc. Những nốt gai đen trên cổ bệnh nhi rất rõ ràng. Ảnh: BSCC.

“Với những thông tin gia đình cung cấp, chúng tôi nghi ngờ cháu có cân nặng bất thường là do gia đình tự cho con dùng thuốc và lạm dụng thuốc chứa corticoid mỗi khi trẻ bị ốm. Hiện chúng tôi hướng dẫn bé chuyển sang BV Nhi Trung ương để làm xét nghiệm các vấn đề liên quan đến nội tiết xem có bất thường gì không. Có thể cháu còn bị dậy thì sớm hoặc tiểu đường, tuy nhiên cần đợi kết quả cuối cùng mới có thể kết luận”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Theo bác sĩ Hưng, trẻ nhỏ tăng cân bất thường hay béo phì thường liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và lạm dụng thuốc. Trong đó, việc lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc rất đáng cảnh báo. Hiện nay, nhiều gia đình chỉ đưa con đi khám một lần, sau đó dùng lại theo đơn bác sĩ kê lần trước mỗi khi trẻ ốm. Điều này rất nguy hiểm bởi có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bệnh và chỉ khi biết nguyên nhân bác sĩ mới có chỉ định điều trị phù hợp.

Việc lạm dụng thuốc, nhất là thuốc chứa corticoid rất nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em. (Ảnh minh họa)

Việc lạm dụng thuốc, nhất là thuốc chứa corticoid rất nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em. (Ảnh minh họa)

Việc lạm dụng các loại thuốc có corticoid sẽ không chỉ khiến trẻ tăng cân nhưng vẫn suy dinh dưỡng, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề nội tiết, khiến trẻ suy tuyến thượng thận… nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Đối với chế độ ăn uống của trẻ, theo tư vấn của bác sĩ Hưng, trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ và nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Vì lý do nào đó trẻ không được bú mẹ thì có thể cho trẻ dùng sữa công thức theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Sau giai đoạn 6 tháng, trẻ bắt đầu ăn dặm, dần dần sử dụng các thực phẩm phù hợp theo từng lứa tuổi. Trong quá trình chăm sóc trẻ ăn uống, phụ huynh nên cho trẻ ăn đa dạng các nhóm thực phẩm như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt (gồm cả nước ngọt và bánh kẹo), cũng như đồ ăn nhanh, cao năng lượng. Những đồ ăn này sẽ làm gia tăng nguy cơ trẻ béo phì, từ đó khiến trẻ có thể bị dậy thì sớm và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác như tim mạch, tiêu hóa…

* Tên và quê quán bệnh nhi đã được thay đổi

7 cách ăn trái cây có thể gây béo phì, gan nhiễm mỡ
Những sai lầm phổ biến khi ăn trái cây có thể mang đến nhiều tác hại cho sức khỏe của bạn.

Sống khỏe

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh ở trẻ em