Dù đã tư vấn người bệnh về chế độ ăn, nhưng do thói quen lâu năm rất khó thay đổi vì thế bệnh nhân không thể thực hiện ngay mà phải thay đổi dần dần, có liệu trình.
Bác sĩ lắc đầu với thói quen ăn mặn chát của người bệnh
Từ lâu việc ăn mặn đã được các chuyên gia, bác sĩ cảnh báo bởi nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy rất xấu với sức khỏe, nhưng để thay đổi thói quen này lại không phải là điều đơn giản. Thậm chí, có trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nhưng khi bác sĩ xây dựng thực đơn dinh dưỡng vẫn không thể thay đổi được thói quen ăn mặn của mình.
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết trong quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ gặp trường hợp một nam bệnh nhân mới ngoài 40 tuổi (ở Hà Nội) đã mắc bệnh tăng huyết áp. Qua khai thác từ người bệnh được biết, gia đình bệnh nhân từ ông bà đến bố mẹ không ai có tiền sử tăng huyết áp, bản thân bệnh nhân cũng không rượu bia, hút thuốc… Tuy nhiên, bệnh nhân lại có thói quen ăn mặn, từ đó các bác sĩ cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị tăng huyết áp.
Ngoài vấn đề điều trị, bác sĩ Đào còn trực tiếp lên thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân, trong đó chủ yếu thay đổi lượng muối bệnh nhân sử dụng hàng ngày. “Với bệnh nhân này, chúng tôi cân đối mọi nguồn muối có thể đưa vào cơ thể như muối từ thực phẩm, lượng muối từ việc nêm nấu trực tiếp, lượng muối từ nước chấm… với hy vọng bệnh nhân quen dần và thay đổi thói quen ăn mặn của mình”, bác sĩ Đào chia sẻ.
Bác sĩ Anh Đào cho biết ăn mặn để lại nhiều hệ lụy với sức khỏe.
Dù đã được bác sĩ lên thực đơn, hướng dẫn cụ thể tuy nhiên khi về gia đình, vợ bệnh nhân nấu ăn theo chế độ bác sĩ dặn dò nhưng bệnh nhân không đồng ý.
“Khi vợ nấu ăn bệnh nhân không đồng ý, nói rằng không hợp khẩu vị và không ăn theo tư vấn của bác sĩ, thậm chí hai vợ chồng còn mâu thuẫn vì chuyện này. Sau đó bác sĩ đề nghị đưa mẫu thức ăn ngẫu nhiên hàng ngày (cá kho) theo đúng khẩu vị của bệnh nhân vào kiểm tra. Kết quả cho thấy đồ ăn quá mặn so với người bình thường, chưa kể bệnh nhân đang bị tăng huyết áp”, bác sĩ Anh Đào chia sẻ.
Với thói quen ăn quá mặn của người bệnh, bác sĩ Đào cho rằng nếu thay đổi khẩu vị trong bữa ăn ngay lập tức bệnh nhân sẽ khó có thể đáp ứng được. Vì thế, các bác sĩ tiếp tục điều chỉnh thực đơn dinh dưỡng, ban đầu sẽ cho bệnh nhân ăn theo chế độ bình thường, sau đó sẽ giảm dần lượng muối trong bữa ăn hàng ngày để quen dần.
“Với trường hợp này khó có thể thay đổi ngay lập tức, cần phải áp dụng giảm dần lượng muối, sau 2 tuần thực hiện lượng muối đưa vào cơ thể đang giảm dần và hiện vẫn đang tiếp tục được điều chỉnh”, bác sĩ Anh Đào cho hay.
Nhiều người rất khó để từ bỏ thói quen ăn mặn. (Ảnh minh họa)
Cần thay đổi thói quen để phòng bệnh
Theo tiến sĩ (TS) Trương Đình Bắc, nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thói quen ăn mặn là yếu tố chính dẫn tới tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện cứ 5 người trưởng thành có một người mắc tăng huyết áp và cứ 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp là do bệnh tim mạch. Khi ăn mặn cơ thể sẽ phải uống nhiều nước, điều đó làm tăng lượng máu tuần hoàn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng suy tim do tâm thất trái to dần lên.
Không chỉ huyết áp, tim mạch, việc ăn mặn còn gây hại rất lớn cho thận. Ngoài ra, việc ăn nhiều muối đối với những bệnh nhân bị hen suyễn sẽ khiến cơn suyễn nặng nề và xuất hiện thường xuyên hơn, có thể dẫn đến đột tử. Thừa muối cũng khiến cho quá trình đào thải canxi qua nước tiểu tăng, nguy cơ gây ra loãng xương.
Rất nhiều bệnh không lây nhiễm liên quan đến thói quen ăn mặn. (Ảnh minh họa)
Trước các hệ lụy từ thói quen lạm dụng muối, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch truyền thông quốc gia vận động cộng đồng giảm lượng muối có trong khẩu phần ăn.
Theo khuyến nghị của WHO, Việt Nam nên xây dựng lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm có nhiều muối và được sử dụng phổ biến như mì ăn liền, xúc xích..., đồng thời kêu gọi người dân giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng, chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Để giảm lượng muối đưa vào cơ thể, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào khuyên mọi người:
- Giảm lượng muối và gia vị dùng cho việc chế biến thức ăn;
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.
- Từ bỏ thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn, vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.
- Bỏ thói quen ăn trái cây chấm các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh;
- Tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm.
Người dân cũng có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt, rau thơm, nước ép trái cây kết hợp với dầu ô liu để giúp tăng hương vị cho món ăn, tạo cảm giác ngon miệng.