Đi vệ sinh là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng đôi khi dùng lực “rặn” quá mạnh có thể gây hại cho cơ thể, nhất là với những ai có sẵn bệnh lý.
Mới đây, một nam bệnh nhân 43 tuổi phải vào điều trị tại Khoa Phẫu thuật não, Bệnh viện Y học cổ truyền Hoài An (Trung Quốc) vì bị vỡ mạch máu não do dùng sức quá mạnh trong lúc đi vệ sinh.
Theo Jiangsu News, người đàn ông này đã bị cao huyết áp nhiều năm và không được điều trị một cách hệ thống. Ông còn rất thích ăn các loại thịt, cá chiên rán và có tiền sử bị táo bón 7 năm. Người đàn ông này cho rằng, táo bón là triệu chứng bình thường, chỉ cần ăn nhiều rau hơn là sẽ cải thiện.
Tuy nhiên, cách đây vài ngày, trong một lần đi vệ sinh, ông đã gặp “tai nạn”. Hôm đó, người nhà thấy ông đi vào nhà vệ sinh đã lâu nhưng không ra, dự có điều chẳng lành nên đã kiểm tra thì phát hiện ông nằm sõng soài trong đó, cơ thể không tự chủ được. Gia đình lập tức gọi xe cấp cứu đưa ông đến bệnh viện.
Khi được đưa đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Y học cổ truyền Hoài An, bác sĩ phát hiện đồng tử của bệnh nhân đã giãn ra, chẩn đoán tai biến mạch máu não. Sau đó, nhân viên y tế tiến hành chụp CT cắt lớp vùng đầu, phát hiện xuất huyết khoảng 100ml, hình thành thoát vị não, rất nguy hiểm nên cần phải phẫu thuật não khẩn cấp để lấy máu tụ bên trong, giảm bớt áp lực nội sọ. Sau ca mổ, người đàn ông được đưa vào Khoa hồi sức cấp cứu. Tình trạng hiện tại được coi là ổn định, nhưng người bệnh chưa hoàn toàn thoát khỏi thời kỳ nguy hiểm.
Bác sĩ giải thích, xuất huyết não là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh tăng huyết áp, có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao, do huyết áp lâu ngày không được kiểm soát, mạch máu não sẽ tiếp tục giãn nở và trở nên cứng, dễ vỡ. Nếu huyết áp tăng đột ngột, áp lực lên thành mạch máu đặc biệt cao. Khi chúng ta đi vệ sinh, áp lực ổ bụng sẽ tăng lên, đồng thời huyết áp cũng tăng theo, tình trạng người bệnh bị táo bón càng rõ ràng, dễ gây xuất huyết não.
Những thói quen khiến người bị cao huyết áp dễ đột tử
Rời khỏi giường đột ngột: Thông thường, huyết áp của cơ thể xuống mức thấp nhất vào lúc khoảng 3h sáng, sau đó tăng dần lên và tăng nhanh khi thức dậy. Vì vậy, việc rời giường quá nhanh, quá vội vàng vào buổi sáng là vô cùng nguy hiểm, do làm tăng áp lực máu, tăng nhịp tim và tăng huyết áp đột ngột.
Đặc biệt đối với các trường hợp người bệnh có tiền sử xơ cứng động mạch. Nguyên nhân là do việc thay đổi tư thế đột ngột làm lượng máu cung cấp về não không kịp, dễ gây ngất xỉu, thậm chí là đột quỵ.
Tập thể dục quá sớm: Nhiều người cao huyết áp vẫn duy trì thói quen tập thể dục vào sáng sớm, khoảng 5h- 5h30 sáng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, đây là thời điểm đang có sự chênh lệch khá lớn về nhiệt độ bên ngoài so với nhiệt độ trong phòng ngủ, nhất là vào mùa lạnh.
Cơ thể đột ngột bị nhiễm lạnh sẽ xảy ra các phản ứng: mạch máu bị co lại, máu lưu thông kém… khiến cho huyết áp buổi sáng vốn đã cao lại càng tăng nhanh hơn, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Chỉ uống thuốc khi thấy huyết áp lên cao: Rất nhiều người còn coi thường bệnh lý huyết áp cao. Họ chỉ uống thuốc khi huyết áp lên cao mà không có thói quen uống thuốc và đo huyết áp hàng ngày. Để kiểm soát huyết áp, tốt nhất nên đo một ngày 2 lần vào thời điểm nhất định nào đó để quản lý huyết áp tốt nhất. Ngoài ra, đây là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đầy đủ hằng ngày, lâu dài.
Ăn uống "thả phanh": Nhiều người bị tăng huyết áp nhưng vẫn thích ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn quá nhiều dầu, đường, muối. Những thực phẩm này là góp phần dẫn đến tai biến mạch máu não. Khi bị tăng huyết áp ngoài, điều trị bằng thuốc, người bệnh cần có các biện pháp tích cực thay đổi lối sống. Đó là chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng: Giảm mặn (dưới 6g muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày), tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no.
Uống nhiều rượu bia: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi uống bia rượu quá nhiều và thường xuyên, những người có tiền sử huyết áp cao dễ đối mặt với nguy cơ xuất huyết não.