Sau khi sử dụng thuốc kích dục, người đàn ông 55 tuổi bỗng tê liệt tay chân bên trái và buộc phải đưa đi cấp cứu.
Gần đây, người đàn ông 55 tuổi tên Yang đột nhiên bị tê liệt nửa người và được đưa đến Bệnh viện Ren'ai thuộc Đại học Y khoa Công đoàn Bắc Kinh, Trung Quốc cấp cứu.
Qua thông tin từ của bác sĩ, được biết ông Yang trước đây có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc, chế độ ăn uống không điều độ. Trước khi vào viện, ông vừa uống thuốc kích dục để chuẩn bị quan hệ với vợ thì đột ngột bị tê bì chân tay, không cử động được nửa người bên trái nên gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu.
Người đàn ông dùng thuốc kích dục để quan hệ bất ngờ bị cứng đờ nửa người bên trái. (Ảnh minh họa)
Tại bệnh viện, huyết áp tâm thu của ông Yang đo được cao tới 200 mm Hg khiến bác sĩ rất bất ngờ. Bác sĩ Chen Bo'an chỉ ra rằng tăng huyết áp được mệnh danh là "kẻ giết người vô hình".
Sau khi kiểm tra, bác sĩ Chen Bo'an - trưởng Khoa thần kinh, Bệnh viện Ren'ai cho biết ông Yang bị nhồi máu não do huyết áp quá cao không được kiểm soát lại sử dụng thêm thuốc kích dục. May mắn là các triệu chứng của ông chưa nghiêm trọng nên có thể xử lý.
Bác sĩ Chen Bo'an cũng nhắc nhở ông Yang nên chú ý kiểm soát huyết áp tốt, đề phòng các vấn đề tim mạch, mạch máu não và không dùng thuốc kích dục bừa bãi. Nếu ông gặp vấn đề về sinh lý, nên đi kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Việc không kiểm soát huyết áp và dùng thuốc kích dục bừa bãi khiến người đàn ông bị nhồi máu não. (Ảnh minh họa)
Thực tế, nhiều người bị cao huyết áp mà không hề hay biết cho đến khi gặp vấn đề về mạch máu não hay xuất hiện các triệu chứng rõ ràng như liệt chi, mặt lệch, miệng méo, nói khó khăn mới vội đi khám và được chẩn đoán bệnh.
Ngoài huyết áp cao, các yếu tố nguy cơ khác của bệnh mạch máu não bao gồm đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá và béo phì… Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ này đặc biệt quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh mạch máu não. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, điều chỉnh chế độ ăn uống (ví dụ: ít muối, ít dầu hơn và ngừng hút thuốc), tập thể dục thường xuyên là những "đơn thuốc" hợp lý nhất để kiểm soát nguy cơ tim mạch hay mạch máu não.
Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), huyết áp cao có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí làm tổn thương nghiêm trọng các cơ quan quan trọng như tim, não, thận và mắt. Việc kiểm soát huyết áp có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:
Đau tim và bệnh tim
Huyết áp cao có thể làm hỏng các động mạch bằng cách làm cho chúng kém đàn hồi, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến tim và dẫn đến bệnh tim. Khi lưu lượng máu đến tim giảm có thể gây ra:
- Đau ngực hay còn gọi là đau thắt ngực.
- Đau tim, xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn và cơ tim bắt đầu chết vì không có đủ oxy. Dòng máu bị tắc nghẽn càng lâu, tổn thương tim càng lớn.
- Suy tim là khi tim của bạn không thể bơm đủ máu và oxy đến các cơ quan khác.
Người bị cao huyết áp nên chú ý kiểm soát bệnh và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. (Ảnh minh họa)
Đột quỵ và các vấn đề về não
Huyết áp cao có thể khiến các động mạch cung cấp máu và oxy cho não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn, gây ra đột quỵ. Các tế bào não sẽ chết trong cơn đột quỵ vì chúng không nhận đủ oxy. Đột quỵ có thể gây ra các khuyết tật nghiêm trọng về khả năng nói, cử động và các hoạt động cơ bản khác. Một cơn đột quỵ cũng có thể gây tử vong.
Bệnh thận
Người lớn mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc cả hai có nguy cơ phát triển bệnh thận mãn tính cao hơn những người không có các tình trạng này.