Tình dục có thể mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc và gắn kết lứa đôi. Nhưng với người nghiện sex, đôi khi, nó có thể ăn mòn sự tự tin, phá vỡ các mối quan hệ, thậm chí gây nguy hiểm.
Lời thú nhận của những người nghiện tình dục
Không như những gì bạn tưởng, những người nghiện tình dục không phải chỉ đam mê bất tận với chuyện ấy, họ cũng khổ sở đấu tranh với những thôi thúc nhục dục mọi lúc, mọi nơi. Một số nạn nhân của chứng nghiện này đã chia sẻ những bí mật, cảm xúc của họ trên trang Timesofindia:
Không ngừng tự xử
“Bạn trai tôi thường kết thúc cuộc yêu rất nhanh. Điều đó khiến tôi chưng hửng dù vốn không mấy ham hố. Và tôi bắt đầu tự tìm cách đưa mình “lên đỉnh” sau mỗi lần quan hệ giữa chừng. Việc này không ngờ khiến tôi “nghiện” cảm giác tự thỏa mãn và mỗi ngày ít nhất thực hiện một lần, sau đó tăng lên 2 rồi 3 lần... Tôi không thể dừng lại và ngày càng không còn muốn gần gũi bạn trai.
Lúc nào cũng có thể nổi hứng
“Chẳng cần nhìn thấy những người phụ nữ xinh đẹp ăn mặc thiếu vải, bộ phận sinh dục của tôi cũng vẫn có thể cương lên. Đầu tôi luôn tưởng tượng đến những hình ảnh khêu gợi ngay cả khi chỉ nhìn thấy một người bình thường hay nghe được một âm thanh lạ. Và tôi đã bao lần phải xấu hổ khi vùng nhạy cảm “nổi dậy” giữa những lúc không thích hợp. Việc này đã khiến tôi ngại ngần gặp gỡ phụ nữ hay tham gia các hoạt động xã hội.
Hủy hoại cảm xúc
Nghiện “chuyện ấy” đã phá hủy cuộc sống của tôi hoàn toàn. Tôi chỉ ham mê phim đen, chăm chăm tìm kiếm những mối quan hệ xác thịt và chẳng còn chút cảm xúc nào sau mỗi lần xong việc. Bạn gái rời bỏ, gia đình xa lánh, công ty cảnh báo vì tôi không hoàn thành những công việc được giao. Tôi thậm chí không biết mình nên làm gì tiếp theo trong đời.
Hôn nhân tan vỡ
“Vợ không thể thỏa mãn tôi. Tôi yêu vợ nhưng luôn thấy bực bội, khó chịu vì nhu cầu không được đáp ứng. Tôi bắt đầu các mối quan hệ ngoài luồng và thậm chí còn tìm tới gái làng chơi. Biết như vậy là sai trái nhưng tôi không thể dừng lại. Đó chính là khi tôi nhận ra mình đã nghiện tình dục nặng và đó cũng là lúc tôi mất gia đình, vợ con.
Nghiện tình dục là một chứng bệnh - 3 dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Được coi là một bệnh nhưng nghiện sex không giống như các căn bệnh thông thường khác. Nó không chỉ liên quan đến sức khỏe thể chất, tâm lý mà các hành vi của bệnh nhân còn có thể vi phạm đạo đức và chuẩn mực xã hội, khiến nó khó được chấp nhận và cảm thông. Người mắc tình trạng này vì thế cũng không dễ dàng và sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân hay nhà chuyên môn.
Phó giáo sư tâm thần Gail Saltz, Bệnh viện New York thuộc Trường Y khoa Weill-Cornell (Mỹ) cho biết, hoóc môn dopamine (thường được gọi là hoóc môn hạnh phúc) tham gia vào hành vi kích hoạt ham muốn tình dục trong não. Khi một người nghiện sex không được “yêu”, hoóc môn dopamine sẽ phát tín hiệu lên não, kích thích nhu cầu được thỏa mãn.
Tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể để phân biệt một người nghiện tình dục hay chỉ đặc biệt yêu thích hoạt động này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn có thể tham khảo 3 dấu hiệu dưới đây:
Thủ dâm quá mức
Thủ dâm vừa phải và đúng cách có lợi cho sức khỏe thể chất và tâm lý nhưng nếu việc này ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày của bạn thì đó có thể là dấu hiệu báo động. Chẳng hạn, bạn thích “một mình” hơn gần gũi vợ hay bạn tình, bạn thường xuyên rời ghế làm việc để vào toilet thỏa mãn…
Bứt rứt khi không được quan hệ
Sex chi phối cuộc sống khiến bạn cảm thấy khổ sở khi thiếu nó. Có thể trước khi mắc chứng này, bạn đã có thói quen dùng tình dục để trốn tránh những căng thẳng, khó khăn, cô đơn, mệt mỏi… của mình trong cuộc sống.
Không kiểm soát được hành vi tình dục
Điều này biểu hiện qua việc bạn có thể tham gia vào các hành vi trái chuẩn mực xã hội, thậm chí gây hại cho bản thân và người khác, chẳng hạn như liên tục quan hệ ngoài luồng, quấy rối, xâm hại tình dục…
Nếu bạn có các dấu hiệu trên hoặc lo lắng mình có vấn đề tương tự, hãy tìm đến nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia trị liệu tình dục.
Hiện nay, việc điều trị nghiện sex không đơn thuần chỉ là sử dụng thuốc để giúp ổn định hormone mà còn áp dụng các biện pháp như tư vấn tâm lý, trị liệu hành vi nhận thức, thiền...
Không có công thức chung cho việc điều trị chứng bệnh này. Mỗi người mắc có thể được trị liệu theo cách khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe tâm thần, nguyên nhân tạo động lực, mức độ bệnh của bệnh nhân, các mối quan hệ và chuẩn mực văn hóa nơi họ sống...