Bệnh ung thư phổi có hai loại: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó bệnh nhân mắc ung thư phổi tế bào nhỏ thời gian sống không kéo dài quá 6 tháng.
Hình ảnh lá phổi bị ung thư (Ảnh minh họa).
Tiên lượng tuỳ thể bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi là một loại ung thư bắt đầu trong phổi. Phổi là bộ phận xốp ở ngực của cơ thể, oxy được hít vào và thở khi carbon dioxide ra.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư tại Hoa Kỳ, ở cả nam giới và phụ nữ. Mỗi năm số người tử vong do ung thư phổi nhiều hơn so với ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt, buồng trứng, bạch huyết và ung thư vú.
TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt - người trực tiếp điều trị cho nghệ sĩ Hán Văn Tình, cho biết, nghệ sĩ Hán Văn Tình bị bệnh ung thư không tế bào nhỏ. Trong thời gian điều trị bệnh tiến triển rất tốt. Bệnh nhân được sử dụng liệu pháp điều trị đích có kết quả cao để kéo dài thời gian sống.
Bác sĩ Chân cho biết, khi bị ung thư phổi, có những người chỉ sống được vài tháng nhưng có những người sống được hơn chục năm và bản thân ông đã điều trị cho một bệnh nhân bị ung thư phổi từ khi còn công tác ở bệnh viện phổi trung ương và đến nay bệnh nhân đó vẫn khoẻ.
Sở dĩ, theo TS Chân bệnh ung thư phổi vốn tiên lượng kém nhưng nếu bệnh nhân mắc phải ung thư phổi không tế bào nhỏ thì việc điều trị và tiên lượng tốt hơn với bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ. Chính vì thế, việc điều trị cũng tuỳ thuộc vào từng diễn biến bệnh cũng như căn bệnh ung thư mà người bệnh mắc phải.
Nếu khi đã mắc ung thư phổi, không may mắn lại mắc ung thư phổi tế bào nhỏ thì người bệnh chỉ sống được không qua 6 tháng vì việc điều trị của ung thư phổi tế bào nhỏ khó hơn nhiều.
TS Chân cho biết, theo Globocan 2012, ung thư phổi trên thế giới có khoảng 1,825 triệu ca, chiếm 12,9% tổng số ca mới mắc và có 1,59 triệu ca tử vong, chiếm 19,4%.
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng đầu ở nam, đứng thứ 3 ở nữ với 21.865 ca mới mắc, chiếm tỷ lệ 17,5%, số ca tử vong là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%.
Cũng giống như các bệnh ung thư khác, ung thư phổi đang gia tăng, trẻ hoá dưới 50 tuổi. Nguyên nhân gây ung thư phổi có tới 90% do khói thuốc lá. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như do môi trường sống ô nhiễm, ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm không khí….
Các biện pháp điều trị
Ung thư phổi chia làm 2 nhóm: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, vì vậy tiên lượng ở các bệnh nhân ung thư phổi còn xấu.
Theo GS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, các phương pháp điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, sinh học. Việc lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc vào thể trạng, giai đoạn bệnh và mô bệnh học của từng bệnh nhân.
Bệnh nhân ở giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) điều trị triệt căn bằng phẫu thuật hoặc hóa - xạ trị kết hợp. Đối với giai đoạn tiến xa, điều trị chủ yếu dùng các phương pháp toàn thân như hóa chất, điều trị đích.
Bệnh ung thư phổi đối với giai đoạn sớm (giai đoạn I,II) điều trị triệt căn bằng phẫu thuật hoặc hóa – xạ trị kết hợp. Với giai đoạn tiến xa, điều trị chủ yếu dùng các phương pháp điều trị toàn thân như hóa chất, điều trị đích.
Hiện nay, cùng với sự phát hiện bất thường ở mức độ phân tử và các thuốc điều trị đích đã mang đến những tín hiệu tích cực trong điều trị. Điều trị đích là phương pháp dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u. Tuy nhiên, việc điều trị đích chỉ hợp với bệnh nhân bị ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo GS Mai Trọng Khoa đã có rất nhiều bệnh nhân bị ung thư phổi được điều trị thành công, thậm chí có bệnh nhân là bác sĩ đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn não, sau khi điều trị tuân thủ đúng phác đồ, hiện tại bệnh nhân vẫn khoẻ mạnh, sức khoẻ tốt.
Các bệnh nhân bị ung thư phổi không tế bào nhỏ thời gian điều trị và đánh giá cho kết quả lâu dài khá cao. Tuy nhiên, GS Khoa nhấn mạnh bất cứ bệnh ung thư nào ngoài tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân cần có một tinh thần lạc quan với bệnh tật.
Đặc biệt cần sàng lọc để phát hiện sớm ung thư. Khi có dấu hiệu ho, sụt cân, khó thở, tức ngực cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra.