Ung thư phổi hiện là một trong những bệnh nguy hiểm nhất thế giới nhưng nhiều người vẫn còn khá mù mờ về dấu hiệu nhận biết căn bệnh này.
Với nam giới, căn bệnh ung thư phổi đứng đầu trong danh sách các bệnh ung thư, số người tử vong hàng năm trên toàn thế giới; với nữ giới thì nó cũng đứng thứ tư. Điều này cho thấy đây là một trong những dạng ung thư phổ biến bậc nhất hiện nay. Giới chuyên môn thì nhận định: ung thư phổi vẫn có thể chữa trị nếu như được phát hiện sớm, nhưng thực tế hiện nay thì những triệu chứng của căn bệnh này thường chẳng mấy ai chú ý. Hầu hết, bệnh nhân khi đến khám tại bệnh viện, lúc phát hiện ra bệnh ung thư phổi thì đã ở giai đoạn cuối.Những dấu hiệu nguy hiểm
Khói thuốc là một nguy cơ quan trọng nhất và là nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến ung thư phổi. Đây là nguyên nhân gây ra 80% số trường hợp ung thư phổi trên toàn thế giới. Những hợp chất nguy hại trong thuốc lá phá hủy các tế bào phổi. Qua thời gian, những tế bào bị phá hủy đó bị ung thư. Đó là lý do tại sao hút thuốc điếu, thuốc tẩu, hoặc xì-gà có thể gây ung thư phổi và những người không hút thuốc hít phải những chất trên cũng bị mắc ung thư. Một người hít càng nhiều khói thuốc thì nguy cơ mắc ung thư phổi càng lớn.
Những nguyên nhân khác có thể gây ung thư phổi bao gồm chất rađon (khí gas hoạt tính), ami-ăng, thạch tín, crom, ni-ken và ô nhiễm không khí. Những người trên 65 tuổi khi chẩn đoán thường mắc bệnh ung thư phổi.
Xét thực tế trong môi trường sống hiện nay thì nguy cơ tiềm tàng về căn bệnh ung thư phổi giữa nam và nữ gần tương đương nhau. Từ việc không khí ô nhiễm, cùng với đó là nhiều người phụ nữ “vô tình” hít phải khói thuốc lá đã khiến cho tỉ lệ mắc căn bệnh này giữa nam và nữ không có sự chênh lệch nhiều. Trên cơ sở nghiên cứu và kinh nghiệm khám chữa lâu năm, các bác sĩ của hai cơ sở y tế điều trị các căn bênh ung thư hàng đầu Việt Nam là Bệnh viên K Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra những lời khuyên cụ thể để mọi người tự phát hiện căn bệnh ung thư cho chính mình.
Dấu hiệu nghiêm trọng nhất phải nhắc tới đó là cảm giác khó thở. Đôi khi cảm giác khó thở vẫn diễn ra với chúng ta nếu như có sự tác động từ ngoại lực và môi trường không khí có sự thay đổi. Tuy nhiên, nếu như triệu chứng này diễn ra thường xuyên thì cần phải xem xét lại vì có thể bạn đang có dấu hiệu của căn bệnh ung thư, vì lúc này các tế bào gây bệnh đã phát triển thành các khối u chèn vào các dây thần kinh, ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp.
Cùng với cảm giác khó thở thì triệu chứng ho dai dẳng nhiều ngày cũng là một trong những dấu hiệu cần xem xét kĩ. Đôi khi chúng ta ho có thể do viêm phổi, nhiễm trung phổi hoặc các bệnh về thanh quản nhưng việc ho dai dẳng nhiều ngày, uống nhiều loại thuốc mà không thấy thuyên giảm nhiều thì cần phải ngay lập tức tìm đến cơ sở y tế để khám xét.
Dấu hiệu tiếp theo là triệu chứng giảm cân không rõ nguyên nhân. Bạn có thể ăn uống, sinh hoạt một cách hết sức bình thường nhưng trọng lượng cơ thể lại cứ sụt giảm một cách trầm trọng không rõ nguyên nhân, cũng chẳng có cảm giác ốm đau gì thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn có thể đã bị bệnh ung thư phổi. Nếu chú ý hơn, những người có dấu hiệu bị mắc bệnh thường có cảm giác đau ngực, khi hoạt động cường độ cao sẽ khó thở thì gần như chắc chắn là bị ung thư phổi giai đoạn đầu.
Một trong những dấu hiệu mà nhiều người cho là chẳng liên quan đó là cảm giác đau nhức ở các khớp ngón tay, ngón chân và cảm giác rất đau ở vai. Theo nghiên cứu, khi phổi bị các tế bào ung thư tấn công nó sẽ khiến cho việc lưu thông khí huyết trong cơ thể bị ảnh hưởng, từ đây nó sẽ tạo ra những dấu hiệu bất thường khiến cho các cơ, các khớp bị ảnh hưởng.
Riêng ở phụ nữ, một trong những triệu chứng đặc biệt dó là các mô ở phần ngực to bất thường. Khi bạn thấy ngực của mình to lên mà không rõ nguyên nhân thì có thể lúc đó tế bào ung thư đã tấn công phổi. Các tế bào ung thư khi tấn công sẽ thay đổi các nội tiết tố từ đó khiến cho việc phát triển các mô ngực bỗng nhiên có những dấu hiệu bất thường.
Cùng với một số những dấu hiệu như đờm có máu, thường xuyên bị nhiễm trùng, thay đổi tâm trạng bất thường… mà xuất hiện thì có nghĩa bạn cần ngay lập tức đến các bệnh viện để khám xét vì lúc đó nguy cơ bị bệnh ung thư phổi là rất cao.
Cảnh giác với những dấu hiệu ung thư ở cả nam và nữ. Ảnh minh họa.
Lời khuyên của bác sĩ
Về cơ bản, các bệnh ung thư khi được phát hiện sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt trong việc điều trị và ngăn chặn bệnh, nhưng để khẳng định kết quả ra sao thì chẳng ai có thể nói trước được điều gì. Còn với các bác sĩ chuyên khoa điều trị ung thư phổi thì liều thuốc tốt nhất cho mỗi người để ngăn chặn căn bệnh quái ác này chính là thay đổi một số tập quán trong sinh hoạt giúp phòng tránh bệnh từng ngày, từng giờ.
Một trong những lời khuyên mà các y bác sĩ vẫn nói đó chính là việc từ bỏ thuốc lá. Đây đã trở thành một vấn nạn toàn cầu chứ không riêng gì tại Việt Nam. Không hút thuốc chẳng những giúp cho bản thân mình tránh khỏi bệnh ung thư phổi mà còn tránh được những căn bệnh quái ác nữa.
Một trong những nghiên cứu được giới khoa học khẳng định là có tới 90% người phụ nữ bị mắc bệnh ung thư là do thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá. Trong số này, chỉ có một phần nhỏ là trực tiếp hút thuốc, còn phần lớn là tiếp xúc kiểu gián tiếp khi người trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè hút thuốc. Như vậy, việc từ bỏ thuốc lá chẳng những bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn cả cho người thân.
Với cuộc sống như hiện nay, không khí đang là một trong những vấn đề cần phải được quan tâm một cách nghiêm túc. Không khí ô nhiễm, các chất gây ung thư sẽ đi vào cơ thể qua đường hô hấp đặc biệt là những chất như khai thác mỏ quặng phóng xạ, môi trường rò rỉ hóa chất hoặc sử dụng thuốc trừ sâu… nên thực hiện các biện pháp bảo vệ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.
Mọi người cũng nên có lối sống lành mạnh, khoa học. Việc tập thể dục hàng ngày, chịu khó vận động kết hợp với chế độ ăn uống hợp lí sẽ trở thành những “vắc-xin” cực tốt giúp cơ thể tránh được bệnh ung thư phổi. Các bác sĩ cũng có lời khuyên là nên ăn nhiều ra xanh để giúp cơ thể có nhiều chất để thanh lọc. Những thực phẩm như lơ xanh, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam… sẽ giúp bạn phòng tránh ung thư phổi.
Riêng với những người phụ nữ, ngoài việc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm thì cũng cần hạn chế khói bếp. Người phụ nữ hàng ngày phải tiếp xúc với khói bếp, với mùi của hàng loạt các loại gia vị, thức ăn và từ các chất liệu đốt như gas, củi, than… chính vì điều này mà cần phải hạn chế một cách tối đa việc tiếp xúc để có thể ngăn chặn bệnh ung thư phổi từ chính cuộc sống thường nhật của chúng ta.
* Bài viết có tham khảo các tài liệu của Bệnh viện K – Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài đã được đăng trên báo Pháp Luật và Cuộc Sống – một chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật.