Mang trong mình căn bệnh ung thư ruột non, chàng sinh viên năm cuối Bách Khoa nhắn nhủ: "Em chỉ muốn nói với các bạn là hãy vứt chiếc điện thoại đi, ngủ sớm hơn, ăn nhiều trái cây và sinh hoạt thật điều độ. Phải biết trân trọng những giây phút khi chúng ta còn khỏe mạnh”
Đi tiểu khó, hay đau vùng bụng không ngờ bị ung thư
Hàng chục nghìn người trẻ tuổi mắc ung thư mỗi năm. Trong số đó, câu chuyện về cậu sinh viên năm cuối Nguyễn Bảo Ngọc – ĐH Bách Khoa Hà Nội khiến mỗi người ám ảnh hơn cả, chàng trai trẻ mắc ung thư khi vẫn còn đang ấp ủ vô vàn những dự định tươi đẹp phía trước, nhất là khi sắp được cầm trên tay tấm bằng cử nhân.
Nằm ở buồng điều trị bệnh khoa Ngoại bụng I, BV K ánh mắt Ngọc nhìn ra phía ngoài cửa sổ xa xăm vô định và thêm phần mệt mỏi. Gần một tháng về trước, cậu sinh viên năm cuối còn vui đùa bên bạn bè trên ghế giảng đường, không lâu nữa sẽ là kỳ thi tốt nghiệp Đại học diễn ra. Thế nhưng, giờ đây, Ngọc lại nằm trên giường bệnh chống chọi với những cơn đau.
Ngọc bị chẩn đoán ung thư ruột non khi đang là sinh viên năm cuối.
Ngày 31/8/2018 khi vừa mới vào năm học mới chưa được bao lâu thì Ngọc đổ bệnh với những dấu hiệu như đi tiểu khó, hay đau vùng bụng, ăn không ngon miệng, vào viện khám đôi lần, bác sĩ nói Ngọc bị viêm bàng quang.
Nhận phiếu báo kết quả bệnh, Ngọc không nghĩ mình chỉ đơn giản bị viêm bàng quang. Cậu đem những dấu hiệu có trong người lên Google tìm hiểu thì thấy đó là những triệu chứng nghiêm trọng.
Ngọc cùng mẹ ra Bệnh viện K kiểm tra, sau một tuần có kết quả sinh thiết cậu bị ung thư. Cô Đinh Thị Bình (48 tuổi – mẹ Ngọc) không giấu được nỗi buồn chia sẻ: “Ngày nhận kết quả con bị ung thư ác tính, cô suy sụp và không thể đứng vững. Nghe đến ung thư nhiều, xung quanh cũng nhiều người mình biết bị mắc bệnh này, nhưng không nghĩ một ngày con mình lại mắc phải”.
Cô Bình - mẹ của Ngọc đã vô cùng sốc khi nghe tin con bị chẩn đoán ung thư.
Sau hôm đó, bố mẹ Bảo Ngọc từng khóc nhiều ngày liên tục, không ăn được nhưng khi nhìn con trai rắn giỏi, họ cũng vui vẻ dần lên để con thêm vững lòng.
Ngày 20/9 mới đây, sau một tuần phẫu thuật, Bảo Ngọc có thể nói chuyện, hễ ai đến thăm vẫn mạnh mẽ và cứng rắn trải lòng mình với mọi người hơn.
Bác sĩ nói sau đợt phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư đầu tiên. Ngọc sẽ còn phải nằm tại BV theo dõi chờ kết quả sinh thiết hậu phẫu. Trong trường hợp bệnh biến chuyển thì cần thay đổi phương pháp điều trị có thể là nội khoa, hóa trị hoặc xạ trị.
Chàng trai trẻ nhắn nhủ mọi người hãy quan tâm tới sức khỏe của mình.
Khi được hỏi về những ấp ủ và cả dự định cho tương lai phía trước, Ngọc gượng cười mơ hồ: “Đơn giản thôi chị ạ, em mong được một lần đi chơi xa với bạn bè, được lang thang Hà Nội một đêm và được một lần cầm tay bạn gái”.
Ngọc cũng mong muốn tất cả những bạn trẻ thay đổi lối sống, giữ sức khỏe vì cậu từng có một thời gian dài không đi ngủ trước 2 giờ sáng, “Sau khi học xong bài em lại cầm điện thoại lướt mạng xã hội. Sau này khi bị bệnh, em mới nhận ra điện thoại ngốn thời gian của chúng ta nhiều quá, em chỉ muốn nói với các bạn là hãy vứt chiếc điện thoại đi, ngủ sớm hơn, ăn nhiều trái cây và sinh hoạt thật điều độ. Phải biết trân trọng những giây phút khi chúng ta còn khỏe mạnh” – Ngọc nói.
Nếu không may dính phải “bản án tử hình”, Bảo Ngọc cũng mong mọi người sẽ sống lạc quan hơn, chấp nhận và chiến đấu đến cùng.
Bệnh ung thư ruột non là gì?
Ung thư ruột non là một loại ung thư xảy ra tại ruột non. Đây là đoạn ruột nằm giữa dạ dày và ruột già. Ruột non dài khoảng 6 mét chia làm 3 đoạn: tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Với chức năng chính là tiêu hóa và hấp thu vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư ruột non
Triệu chứng bệnh ung thư ruột non phụ thuộc vào vị trí, kích thước, và mức độ ảnh hưởng của khối u lên các cơ quan hay mô xung quanh. Triệu chứng của ung thư ruột non có thể giống với những bệnh khác. Đôi khi bệnh nhân không quan tâm vì nhiều người cho rằng đấy chỉ là một trong những rối loạn bình thường trong cơ thể.
Các triệu chứng ung thư ruột thường khó nhận biết, tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu cảnh báo phổ biến như:
- Đau bụng;
- Giảm cân không mong muốn;
- Cảm thấy buồn nôn hoặc bị ốm;
- Tiêu chảy;
- Xuất huyết (vài trường hợp);
- Tắc ruột.
Phòng tránh ung thư đường ruột
Chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một số thay đổi đơn giản trong lối sống.
- Hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư ruột.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh và hạn chế uống rượu cũng giúp ngăn ngừa căn bệnh này.
- Cách tốt nhất để chống lại bệnh ung thư ruột là tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày.
- Những thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau xanh, các loại đậu, đậu Hà Lan và ngũ cốc nguyên hạt.