Biến chứng tăng huyết áp như thế nào? Có nguy hiểm không?

Ngày 05/07/2018 08:00 AM (GMT+7)

Huyết áp cao là một tình trạng khá phổ khiển, khi áp lực của máu về lâu dài sẽ tác động đến động mạch, từ đó gây ra các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim.

Biến chứng tăng huyết áp như thế nào? Có nguy hiểm không? - 1

Huyết áp được xác định bởi lượng máu mà tim bạn bơm và lượng kháng máu lưu thông trong động mạch của bạn. Máu được bơm càng nhiều và động mạch càng hẹp thì huyết áp càng cao.

Bạn có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm liền mà không có bất kì triệu chứng nào, tuy nhiên việc tim và mạch máu bị tổn thương vẫn tiếp tục diễn ra. Tăng huyết áp một cách không kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm đau tim và đột quỵ. Vậy biến chứng tăng huyết áp gồm những gì, nguy hiểm tới cỡ nào?

Bài viết bao gồm:

1. Triệu chứng bệnh cao huyết áp

2. Nguyên nhân bị cao huyết áp

- Đối tượng dễ bị mắc bệnh

3. Biến chứng tăng huyết áp

TRIỆU CHỨNG BỆNH CAO HUYẾT ÁP

Hầu hết những người bị huyết áp cao không hề biểu hiện bất kì triệu chứng nào của bệnh, ngay cả khi chỉ số huyết áp đã đạt đến mức nguy hiểm.

Một số người bị huyết áp cao có thể xuất hiện tình trạng nhức đầu, khó thở hoặc chảy máu cam, nhưng những dấu hiệu này không quá rõ ràng và cụ thể để chẩn đoán thành bệnh cao huyết áp. Đặc biệt, những triệu chứng này thường xuất hiện khi huyết áp cao đạt đến giai đoạn nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.

NGUYÊN NHÂN CAO HUYẾT ÁP

Có hai loại cao huyết áp chính là:

Tăng huyết áp nguyên phát

Đối với hầu hết những người lớn tuổi, huyết áp cao không có nguyên nhân rõ ràng. Tình trạng này được gọi là tăng huyết áp nguyên phát, có xu hướng phát triển dần dần qua nhiều năm.

Biến chứng tăng huyết áp như thế nào? Có nguy hiểm không? - 2

Tăng huyết áp thứ phát

Loại tăng huyết áp này có xu hướng xuất hiện đột ngột, khiến huyết áp tăng nhanh hơn so với tăng huyết áp nguyên phát. Các tình trạng dưới đây và những tác dụng phụ của thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp thứ phát:

- Khó thở khi ngủ

- Có vấn đề về thận

- Có khối u tuyến thượng thận

- Có vấn đề về tuyến giáp

- Một số dị tật bẩm sinh trong mạch máu

- Một số loại thuốc nhất định như thuốc ngừa thai, thuốc trị cảm lạnh, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau không kê toa, …; thuốc bất hợp pháp như cocaine và amphetamine

Những đối tượng có khả năng mắc bệnh cao huyết áp cao

- Người trên 64 tuổi;

- Gia đình có lịch sử mắc bệnh cao huyết áp;

- Thừa cân hoặc béo phì;

- Hút thuốc lá;

- Tiêu thụ quá nhiều muối;

- Chế độ ăn thiếu kali;

- Uống rượu quá độ;

- Căng thẳng;

- Mang thai;

- Các bệnh mãn tính (bệnh thận, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ …).

Biến chứng tăng huyết áp như thế nào? Có nguy hiểm không? - 3

BIẾN CHỨNG TĂNG HUYẾT ÁP

Áp lực quá lớn đến thành động mạch do huyết áp cao gây ra có ảnh hưởng tiêu cực đến mạch máu cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, thậm chí làm hỏng mạch máu. Huyết áp càng cao và phát hiện càng muộn thì tổn thương càng lớn.

Huyết áp cao không kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng tăng huyết áp như:

- Đau tim hoặc đột quỵ: Huyết áp cao có thể khiến các động mạch cứng và dày lên (xơ vữa động mạch), cũng có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác.

- Phình động mạch: Tăng huyết áp có thể làm cho các mạch máu của bạn suy yếu và phồng lên, tạo thành chứng phình động mạch, khiến chúng rất mỏng manh và dễ vỡ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

- Suy tim: Để bơm máu chống lại áp lực cao trong các mạch máu, tim phải làm việc chăm chỉ hơn. Điều này khiến cho vách của buồng bơm tim dày lên (phì đại thất trái). Một khi cơ tim bị dày lên, khả năng bơm máu sẽ giảm đi, sau một thời gian sẽ dẫn đến suy tim.

- Tai biến mạch máu não: Bao gồm xuất huyết não, nhũn não, thiếu máu lên não, khiến người bệnh chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh. Nghiêm trọng hơn là liệt nửa người, liệt toàn thân và nặng là tử vong.

- Mạch máu trong thận bị suy yếu: Điều này ngăn chặn thận hoạt động bình thường.

- Mạch máu trong mắt bị dày, hẹp hoặc rách: Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất thị lực.

- Hội chứng chuyển hóa: Hội chứng này là một cụm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể bạn, bao gồm tăng chu vi vòng eo, chất béo trung tính cao, cholesterol tỉ trọng cao (HDL) bị giảm, mức insulin cao. Những điều kiện này sẽ làm bạn dễ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc đột quỵ.

- Ảnh hưởng đến khả năng tư duy: Huyết áp cao không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng học hỏi của bạn.

- Chứng mất trí: Động mạch bị hẹp hoặc bị tắc có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, dẫn đến một loại chứng mất trí. Một cơn đột quỵ làm gián đoạn lưu lượng máu đến não cũng có thể gây mất trí nhớ.

Người mắc bệnh huyết áp cao nên đề phòng với những biến chứng tăng huyết áp, chủ động thay đổi lối sống lành mạnh, kiểm tra huyết áp để đề phòng những biến chứng.

Huyết áp cao là bao nhiêu với từng đối tượng?
Huyết áp cao là căn bệnh nguy hiểm với rất nhiều người. Nhưng huyết áp cao là bao nhiêu thì không phải ai cũng nắm rõ.
Hoàng Lan (Dịch từ Mayo Clinic)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Huyết áp cao