Biến thể B.1.617 được gọi là biến thể kép vì chứa đột biến L452R được quan sát thấy trên biến thể ở California và đột biến E484Q trên hai biến thể ở Nam Phi và Brazil.
Oxy đang trở nên khan hiếm tại hầu hết các bệnh viện của Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ đang trở nên rất phức tạp khi số ca mắc và tử vong tăng lên nhanh chóng. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này được nhận định có thể là sự xuất hiện của biến chủng kép B.1.617.
Biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 5/10/2020 tại thành phố Nagpur (bang Maharashtra) thuộc miền Trung Ấn Độ.
Biến thể B.1.617 được gọi là biến thể kép vì chứa đột biến L452R đã được quan sát thấy trên biến thể ở California và đột biến E484Q trên hai biến thể ở Nam Phi và Brazil.
Đột biến L452R giúp virus tăng sức đề kháng với kháng thể và vắc xin, còn đột biến E484Q làm tăng thêm khả năng lây nhiễm.
Tuy nhiên về khoa học, gọi "đột biến kép" là không phù hợp vì biến thể B.1.617 không chỉ đột biến hai lần và không phải là virus tái tổ hợp từ hai biến thể khác nhau.
Theo NPR, bên cạnh 2 đột biến “nổi tiếng” L452R và E484Q, biến thể B.1.617 có khoảng 11 đột biến khác.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy những người đã mắc COVID-19 có thể bị tái nhiễm với biến thể này, đặc biệt khi khả năng miễn dịch tự nhiên của họ suy yếu theo thời gian. Tình trạng tái nhiễm có thể là nguyên nhân thúc đẩy đợt bùng phát Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ.
Với các biến chủng cũ trên thế giới, trung bình một bệnh nhân COVID-19 có thấy lây nhiễm virus cho 4 người. Con số này tại Ấn Độ là khoảng 9-10 người.
“Biến chủng B. 1.617 có tất cả dấu hiệu của loại virus rất nguy hiểm. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để xác định sự lây lan và ngăn chặn nó”, ông William A. Haseltine, cựu Giáo sư của trường Y Harvard, Mỹ, cho biết.
Theo Outbreak, B.1.617 đã phát hiện ở ít nhất 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Mỹ, Australia, New Zealand.
Mặc dù biến thể B.1.617 mang đột biến kép nên dễ lây hơn nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định biến thể này gây chết người nhiều hơn.
Tiến sĩ Benjamin Davido ở Bệnh viện Raymond-Poincaré tại Garches (Pháp) xác nhận "chúng ta chưa biết nhiều về khả năng gây chết người của biến thể ở Ấn Độ".
Việc các ca nhiễm COVID-19 tăng cao tại Ấn Độ còn được cho là do các biện pháp phòng ngừa lỏng lẻo. Chính quyền đã cho phép các lễ hội tôn giáo và biểu tình bầu cử hoạt động. Đặc biệt, tình trạng nhiều người tham dự không đeo khẩu trang và giãn cách xã hội càng khiến nguy cơ lây nhiễm ở những sự kiện như vậy trở nên đáng báo động.