Theo các bác sĩ, bữa sáng ăn khoai lang, ngô hay cơm đều tốt, nhưng bạn cần phải đảm bảo ăn đủ chất, an toàn thực phẩm.
Bữa sáng được xem là bữa chính trong ngày, giúp bạn lấy lại năng lượng đã tiêu hao và nạp thêm đủ năng lượng để bắt đầu cho những hoạt động trong ngày mới.
Khoai lang, ngô, cơm là 3 thực phẩm được trồng nhiều ở nước ta và là nguyên liệu chính trong các bữa ăn hằng ngày của gia đình Việt. Nhiều người đặt câu hỏi, ăn sáng bằng khoai lang, ngô (bắp) hay cơm sẽ có lợi và tốt cho sức khỏe hơn?
Bữa sáng ăn khoai lang chỉ phù hợp với người làm công việc văn phòng
Theo TS.BS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, khoai lang được nhiều người coi là siêu thực phẩm, cung cấp protein, vitamin, chất xơ cho cơ thể. Vì vậy nó được nhiều người chọn ăn vào bữa sáng, thậm chí ăn thay thế các bữa chính. “Theo tôi, ăn khoai lang buổi sáng có thể chấp nhận được, nhưng cần phải xem cách ăn có hợp lý không”, Tiến sĩ Từ Ngữ chia sẻ.
Khoai lang luộc được nhiều người chọn để ăn sáng - Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Từ Ngữ cho rằng, ăn khoai lang vào bữa sáng chỉ phù hợp với một số người hay tính chất công việc. Với những người làm văn phòng, không hoạt động thể lực nhiều, bữa sáng có thể ăn một củ khoai lang cỡ vừa khoảng 200g. Nhưng với người phải hoạt động thể lực nặng, một củ khoai lang là chưa đủ năng lượng. Ước tính, 200g khoai bữa sáng tương đương khoảng 240 kcal, trong khi một bữa sáng cần nạp ít nhất 300 kcal trở lên mới đủ nhu cầu năng lượng cần thiết.
Ngoài ra, nếu ăn khoai lang liên tục trong nhiều tháng là không nên, vì sẽ gây nguy cơ thiếu chất, ít calo. Khoai lang tuy có hàm lượng chất xơ, chất đạm nhưng không cân đối được các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. “Nhìn chung, mọi người có thể ăn khoai lang buổi sáng nhưng không nên tiêu thụ kéo dài, cần thay đổi thực đơn để đa dạng, đủ chất”, Tiến sĩ Từ Ngữ khuyến cáo.
Bữa sáng ăn ngô tốt nhưng nên uống thêm sữa mới đủ chất
Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, ngô vị ngọt, tính bình, tác dụng lợi niệu tiêu thũng, bình can, lợi đàm. Đông y sử dụng ngô để áp dụng nhiều bài thuốc như trị mất ngủ, khó ngủ, lợi tiểu, giảm huyết áp. Ăn ngô vào bữa sáng là điều nên làm vì lúc này dạ dày của bạn vẫn chưa thực sự hoạt động mạnh, nồng độ axit trong dạ dày tương đối cao. Ngô chứa lượng lớn cellulose, có thể kích hoạt hoạt động của đường tiêu hóa. Ngoài ra, ngô rất giàu chất dinh dưỡng, giúp buổi sáng của chúng ta tràn đầy sức sống hơn.
Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, mọi người có thể ăn xôi ngô, canh súp ngô, ngô nướng, ngô luộc. Nhưng cách sử dụng mang lại giá trị và tiện lợi nhất là ngô luộc hoặc hấp. Ngoài ưu điểm giữ lại nhiều giá trị dinh dưỡng, ngô luộc còn chứa rất nhiều nước, tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, để bữa sáng có thể mang lại những lợi ích cho cơ thể, ngoài ăn ngô luộc bạn nên uống thêm sữa sẽ tốt hơn.
Ngô cũng là lựa chọn cho bữa sáng của nhiều người - Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Từ Ngữ cũng cho rằng, ngô chứa nhiều các chất lecithin, vitamin E, rất tốt cho tim mạch và mạch máu, hỗ trợ đẩy lùi quá trình lão hóa. Đặc biệt, trong mầm ngô chứa nhiều axit béo không no, vai trò quan trọng thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển, điều hòa khả năng miễn dịch của con người. Chất dinh dưỡng này cũng giúp giảm sự lắng đọng cholesterol trong thành mạch máu, từ đó làm mềm mạch máu. Ngô còn rất giàu chất xơ, trong đó chất xơ hòa tan đóng vai trò kiểm soát cholesterol xấu hiệu quả và giúp làm sạch mạch máu.
Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn vì tiêu thụ lượng lớn carbohydrate (tinh bột) trong thực phẩm này làm đường máu tăng nhanh. Người bị dạ dày cũng nên tiêu thụ ít vì ngô chứa nhiều chất xơ, lạm dụng chúng sẽ làm tăng gánh nặng hệ tiêu hóa, biểu hiện là đầy hơi, khó tiêu.
Ăn cơm buổi sáng là lựa chọn tốt nhất nhưng không nên ăn cơm nguội
Theo Tiến sĩ Từ Ngữ, ăn cơm vào bữa sáng là một lựa chọn hoàn hảo, tốt với mọi người, nhất là những người lao động nặng, người muốn giảm cân, người bị tiểu đường và trẻ nhỏ. Bởi thành phần chủ yếu trong gạo là carbohydrate và vitamin B9 sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng cho ngày mới. Với những ai đang muốn giảm cân hay có vấn đề tiểu đường thì ăn cơm buổi sáng cũng giúp ngăn tăng đường huyết.
Đặc biệt, với trẻ em, nhóm thức ăn chứa nhiều tinh bột như cơm rất cần thiết cho bé để chuyển hóa thành năng lượng, đẩy mạnh hấp thu dưỡng chất vào cơ thể khỏe mạnh.
Ăn cơm vào bữa sáng là lựa chọn tốt - Ảnh minh họa.
Các chất dinh dưỡng trong gạo còn giúp dẫn truyền thần kinh, kiềm chế những ảnh hưởng xấu của các tác nhân gây bệnh mất trí nhớ, ở người lớn tuổi gọi là bệnh Alzheimer.
Tiến sĩ Từ Ngữ khuyến cáo, để ăn cơm bữa sáng tốt, mọi người nên ăn kết hợp cơm, thức ăn (thịt, cá, trứng…), rau mới nấu, hạn chế dùng lại đồ ăn thừa từ buổi tối hôm trước, nhất là cơm.
PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng từng chia sẻ, ăn cơm bữa sáng là lựa chọn tốt, có thể bổ sung đủ chất cho cơ thể. Tuy nhiên, ăn cơm nguội, nhất là cơm để qua đêm không tốt cho sức khỏe.
PGS Nguyễn Duy Thịnh giải thích, cơm là thực phẩm giàu dưỡng chất, tinh bột, đường nên rất dễ nhiễm khuẩn. Ở nhiệt độ thường, những bào tử vi khuẩn trong cơm sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường cho vi khuẩn Bacillus cereus sinh sôi, phát triển. Khi nhiễm khuẩn, cơm nguội có thể gây ra chứng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp. Hơn nữa, cơm nguội rất nhanh thiu, chỉ để ở nhiệt độ thường hoặc nơi nóng bức, cơm nhanh phân hủy, ngả màu vàng, có mùi. Khi đó bạn phải bỏ cơm ngay.
Lưu ý khi ăn sáng
Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (TP.HCM), bữa sáng là bước khởi đầu cho ngày mới hoàn hảo. Lựa chọn món ăn sáng như thế nào là tùy thuộc vào thói quen, sở thích cũng như khẩu phần ăn của mỗi người. Tuy nhiên, dù chọn thực phẩm nào bạn cũng cần đảm bảo nguyên tắc lành mạnh, đủ chất, đa dạng thực phẩm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tốt nhất bạn nên ăn sáng trước 7h sáng để giúp dạ dày co bóp tốt, tránh các chất axit có nguy cơ cao gây về bệnh dạ dày.