Chỉ vì tiếc mấy quả mướp bị ngâm trong nước sau trận bão đã khiến cả gia đình ông Chu gồm 4 người phải vào viện cấp cứu.
Ông Chu, 68 tuổi, sống ở Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) sau khi nghỉ hưu ông rất thích trồng rau theo mùa, và trên bàn ăn của gia đình luôn có các loại rau xanh mà ông Chu trồng. Ngày 11/8, cơn bão Lekima vừa mới đi qua, ông Chu đau lòng khi phát hiện vườn rau của mình ngập trong nước, vài quả mướp non leo lên cây nho cũng bị gió thổi rơi vào nước.
Cả gia đình ông Chu vào viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán cả nhà đều bị viêm ruột cấp tính.
Ông Chu nói rằng: “Mặc dù mấy quả mướp đã bị ngâm nước sau trận lũ nhưng xem ra vẫn còn tốt, tôi không nỡ bỏ đi nên đã đem về nhà. Buổi tối hôm đó, tôi đã rửa qua những quả mướp này, gọt vỏ, cắt miếng nhỏ và xào với trứng. Bữa ăn tối, ngoài con dâu không ăn ở nhà, tôi cùng vợ, con trai và đứa cháu gái, cả 4 người đều ăn rất nhiều”.
Sau một tiếng ăn bữa tối, ông Chu và vợ có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, liên tiếp phải vào nhà vệ sinh, nhiệt độ cơ thể cũng dần tăng lên, sốt cao tới 39 độ C. Con trai ông Chu thấy tình hình không tốt, vội vàng gọi xe đưa vợ chồng ông Chu đến Trung tâm y tế cấp cứu Bệnh viện số 2 Ngân Châu. Qua kiểm tra, vợ chồng ông Chu được chẩn đoán là viêm ruột cấp tính.
Sau khi vợ chồng ông Chu được bác sĩ chỉ định nằm điều trị theo dõi ở Khoa Tiêu hóa thì trời cũng đã về đêm, con trai ông Chu, anh Chu Đình lúc này cũng nói với nhân viên y tế rằng bản thân mình cũng có chút không thoải mái, khi đo nhiệt độ, thân nhiệt lên tới 39°C. Sau khi kiểm tra, anh Chu Đình cũng bị chẩn đoán là viêm ruột cấp tính. Cuối cùng, cô con gái 16 tuổi của anh Chu Đình cũng phải nhập viện vì đau bụng, tiêu chảy và sốt cao.
Thủ phạm gây bệnh chính là mấy quả mướp bị nhiễm khuẩn sau trận bão.
Bác sĩ Hồng Tiệp Mẫn, trưởng Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện số 2 Ngân Châu cho biết: "Các loại mướp ngâm nước trong những ngày bão, quan sát bên ngoài mặc dù không có vấn đề gì, nhưng rất có thể đã bị ô nhiễm, do đó cần thận trọng khi sử dụng. Bởi thời tiết nóng, vi khuẩn và vi sinh vật rất dễ sản sinh trên thực phẩm, dẫn đến thực phẩm bị hư hỏng. Đặc biệt, sau khi cơn bão đi qua, điều kiện vệ sinh vô cùng kém, nhiệt độ không khí tiếp tục tăng cao, càng khiến vi khuẩn có khả năng sinh sôi nhiều hơn, một khi người dân ăn phải thực phẩm không sạch hoặc không tươi, rất có khả năng bị ngộ độc”.
Bác sĩ cảnh báo chú ý an toàn thực phẩm sau những ngày mưa bão
Sau những cơn mưa lớn hoặc sau các trận bão lũ, môi trường sống và các vật dụng sinh hoạt bị ngập lụt cần được làm sạch, khi cần thiết phải tiến hành khử độc. Trọng tâm của việc khử độc là trong phòng phải thông gió, các dụng cụ nội thất trong nhà, thiết bị vệ sinh, nhu yếu phẩm hàng ngày làm sạch và sấy khô. Tăng cường khử trùng nước và thực phẩm, nước phải đun sôi, thực phẩm phải được nấu chín trong 15 phút.
Sau bão lũ, cần phải có biện pháp phòng ngừa ruồi, muỗi để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
Sau cơn bão vào mùa hè và mùa thu, nhiệt độ cao và độ ẩm cao, dễ dàng sinh sản muỗi và ruồi, khiến thực phẩm dễ bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, nấm mốc và các chất hóa học khác nhau. Để ngăn ngừa các bệnh từ thực phẩm và nhiễm trùng đường ruột, cần phải lưu ý tách riêng các loại thực phẩm sống và chín, thức ăn phải được che đậy và bảo quản đúng cách.
Trong mùa mưa bão, cố gắng khi ra ngoài nên mặc quần áo dài tay, dọn dẹp môi trường sống xung quanh sạch sẽ, giúp phòng ngừa các bệnh lây nhiễm từ côn trùng. Đặc biệt, khi thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường thì cần phải đến trung tâm y tế kịp thời.