Giữa cúm và cảm lạnh có những điểm giống và khác nhau, nếu không phân biệt được bệnh sẽ rất dễ trở nặng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cúm mùa và cảm lạnh giống và khác nhau thế nào?
Hiện nhiệt độ miền Bắc đang giảm mạnh, dự báo có nhiều nơi xuống dưới 10 độ C, vì thế người dân cần đặc biệt chú ý để bảo vệ sức khỏe. Trong điều kiện thời tiết như hiện tại, cảm lạnh rất dễ xảy ra. Đáng nói, cũng trong thời điểm này, bệnh cúm mùa cũng đang hoành hành, khiến nhiều người mắc và nhập viện, gặp phải biến chứng.
Bệnh cúm và cảm lạnh có triệu chứng khởi phát tương đối giống nhau, nhưng lại là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, mức độ nguy hiểm và gây biến chứng cũng khác nhau. Do vậy, việc nhận biết các dấu hiệu của cúm mùa và cảm lạnh, từ đó có những cách ứng phó kịp thời, phù hợp là vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, cúm là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, do virus (siêu vi) cúm gây nên. Virus cúm có 3 tuýp A, B, C trong đó tuýp A, B gây bệnh cho người.
Còn cảm lạnh thường do nhiều loại virus gây ra (có >200 loại virus gây bệnh), thường gặp nhất Rhinovirus, Parainfluenza, corona virus (không phải chủng gây COVIDP-19), RSV (hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi)...
Một số điểm chung và khác biệt của cúm mùa và cảm lạnh.
So với cúm mùa, cảm lạnh triệu chứng khởi phát thường nhẹ hơn, đa phần bệnh tự khỏi và không gây biến chứng nặng. Trong khi đó, bệnh cúm mùa triệu chứng thường khởi phát đột ngột, biểu hiện nặng hơn so với cảm lạnh và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ví dụ điển hình nhất đó là, cảm lạnh các biểu hiện chỉ là hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng hoặc mệt mỏi mức độ nhẹ. Còn với cảm cúm, các biểu hiện nặng hơn nhiều như sốt cao 3-4 ngày, đau tức ngực, ho nhiều, đau mỏi cơ và đau đầu.
Đặc biệt, khi cúm mùa gây biến chứng có thể gây nên tình trạng viêm phổi dẫn đến suy hô hấp rất nhanh, tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Biến chứng tại phổi có thể đơn thuần do virus cúm hoặc do đồng nhiễm giữa virus cúm và vi khuẩn.
Ngoài viêm phổi có thể gặp viêm cơ, tiêu cơ vân, viêm cơ tim và viêm não…. bệnh rất nặng có thể dẫn đến mất mạng. Do vậy, khi có các triệu chứng sốt cao từ 2-3 ngày, ho nhiều, đau nhức cơ thì hãy nghĩ ngay đến cúm mùa và đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị phù hợp tránh nhầm lẫn, từ đó dẫn tới điều trị sai.
Cách phòng bệnh cúm mùa và cảm lạnh cũng khác nhau
Cúm mùa và cảm lạnh cũng có điểm chung và khác nhau về cách phòng bệnh. Với cúm mùa, cách phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất là tiêm phòng vắc xin. Các loại vắc xin cúm giúp bảo vệ cơ thể khỏi các chủng cúm A H1N1, H3N2 và hai chủng cúm B. Hoặc có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng, biến chứng khi mắc cúm.
Lịch tiêm cơ bản ở trẻ dưới 9 tuổi: Hai mũi tiêm cách nhau 1 tháng, sau đó tiêm nhắc hàng năm. Ở trẻ trên 9 tuổi và người trưởng thành tiêm 1 mũi cơ bản, sau đó tiêm nhắc hàng năm. Ngoài ra, cần hạn chế đi đến nơi đông người, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên…
Phòng cúm mùa cần tiêm vắc xin, nhưng phòng cảm lạnh cần giữ ấm cơ thể. Ảnh minh họa.
Để phòng cảm lạnh, Bộ Y tế khuyến cáo tới người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng. Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang....
Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh. Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở vùng miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, mất mạng. Đồng thời, cần tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như cafein.
Không nên tắm khuya sau 22h00, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, virus; tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh cúm.
Cùng với đó, cần ăn uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).