Nhiều người đi tiêm vắc xin vì lo cúm mùa gây biến chứng nặng: Mới tiêm liệu có tác dụng bảo vệ cơ thể?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 07/02/2025 07:07 AM (GMT+7)

Với số ca mắc cúm gia tăng, trong đó có nhiều ca nặng, nhiều người lo lắng đi tiêm vắc xin phòng bệnh, liệu việc làm này có mang lại hiệu quả ngay lập tức.

Gần đây số ca mắc cúm có diễn biến phức tạp, trong đó có cả người trưởng thành và trẻ nhỏ mắc bệnh. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có nhiều bệnh nhân cúm đến khám, hiện đang điều trị cho 8 trường hợp, trong đó có một số trường hợp nặng, tiên lượng xấu.

Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện đang có 18-20 ca cúm nặng nằm viện, với các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết. Riêng với đối tượng là trẻ nhỏ, thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, số ca cúm đã tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần, trong đó có nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú.

Trước tình hình bệnh cúm như trên, không ít người đã chủ động đi tiêm phòng cúm, tuy nhiên, việc tiêm phòng khi đang có dịch liệu có mang lại hiệu quả phòng bệnh. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, tiêm vắc xin là biện pháp phòng cúm mùa hiệu và an toàn nhất, nhưng không phải tiêm xong là có miễn dịch ngay.

Sau khi tiêm vắc xin 2 tuần mới bắt đầu có miễn dịch bảo vệ cơ thể. Ảnh minh họa.

Sau khi tiêm vắc xin 2 tuần mới bắt đầu có miễn dịch bảo vệ cơ thể. Ảnh minh họa. 

Theo bác sĩ Minh, sau khi tiêm khoảng 2 tuần, lúc này vắc xin mới giúp cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ bởi những chủng cúm có trong vắc xin. Do vậy, trước thời điểm này nếu tiếp xúc với những người mắc hoặc nghi ngờ mắc thì vẫn có nguy cơ nhiễm cúm. Do đó, ngoài tiêm vắc xin cần phải áp dụng tốt các biện pháp phòng ngừa cá nhân, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. 

Một vấn đề nữa bác sĩ Hiền Minh cũng hết sức lưu ý, vắc xin cúm tiêm một lần không có tác dụng bảo vệ lâu dài, vì thế cần phải tiêm nhắc lại hàng năm. Thời điểm tiêm vắc xin thích hợp nhất là vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 hàng năm. “Virus cúm biến đổi hằng năm, vì thế Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đưa ra dự báo về các loại virus cúm chủ yếu có thể gây ra dịch cúm năm kế tiếp, đó là cơ sở để sản xuất vắc xin phòng bệnh cúm hằng năm. Để được bảo vệ tốt nhất bạn cần tiêm cúm nhắc lại mỗi năm”, bác sĩ Minh lý giải.

Với câu hỏi: Tiêm vắc xin và đã có miễn dịch liệu có bảo vệ 100% không bị mắc cúm? Bác sĩ Hiền Minh cho rằng, điều này là không thể, người tiêm vắc xin rồi vẫn có thể mắc cúm. Tuy nhiên, tỷ lệ bị cúm nặng và gặp biến chứng như: viêm phổi, suy hô hấp sẽ giảm đi rất nhiều so với người không tiêm vắc xin.

Theo đó, người đã tiêm vắc xin sẽ có được những lợi ích so với người chưa tiêm vắc xin như sau:

- Giảm 60% trường hợp tử vong tại bệnh viện và 40 % điều trị khoa hồi sức tích cực ICU trên bệnh nhân hơn 65 tuổi

- Giảm 20% nguy cơ tử vong tim mạch trên bệnh nhân suy tim

- Giảm 80% trường hợp nhập viện vì cúm trên bệnh nhân tiểu đường týp 2

- Giảm 40% trường hợp nhập viện vì cúm trên bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

- Giảm 27% tỉ lệ trẻ sinh non ở phụ nữ mang thai

Ngoài ra, những lợi ích khác khi tiêm vắc xin cúm cũng được ghi nhận:

- So với trước khi tiêm vắc xin, bệnh nhân hen giảm lên đến 40% nguy cơ xảy ra đợt kịch phát cơn hen

- Giảm 70-90% nguy cơ nhiễm cúm ở người lớn và giảm 74% nguy cơ mắc cúm nặng đe dọa tính mạng ở trẻ trên 3 tuổi.

Ngoài tiêm vắc xin, việc chủ động phòng cúm là rất quan trọng, trong đó có việc đeo khẩu trang. Ảnh minh họa.

Ngoài tiêm vắc xin, việc chủ động phòng cúm là rất quan trọng, trong đó có việc đeo khẩu trang. Ảnh minh họa. 

Ngoài tiêm vắc xin, để chủ động phòng, chống cúm mùa hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Ngoài ra, người dân nên đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

3 trẻ trong một gia đình ở Hà Nội mắc cúm A, trong đó 2 trường hợp bị biến chứng nặng phải nhập viện
Sau khi bị sốt, đau tức ngực nên gia đình đã đưa 3 trẻ đi khám, qua xét nghiệm xác định cả 3 trẻ đều mắc cúm A, trong đó 2 trẻ đã có biến chứng phải...

Tin tức sức khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]07/02/2025 05:57 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm