Năm 11 tuổi, Messi được chẩn đoán bị thiếu hụt hormone tăng trưởng khiến anh có vóc dáng thấp còi hơn bạn bè bằng tuổi.
Trận chung kết bóng đá World Cup 2022 giữa đội tuyển Argentina và đội tuyển Pháp sắp tới đang được người hâm mộ bóng đá rất quan tâm. Đặc biệt, rất nhiều người cũng chú ý tới Lionel Messi khi đây là kỳ World Cup cuối cùng của chàng cầu thủ tài năng nhất nhì thế giới.
Trong khoảng thời gian 12 năm, từ 2009 đến 2021, Messi đã giành được 7 Quả bóng vàng và luôn nằm trong top những siêu sao bóng đá của thế giới. Nhưng không phải ai cũng biết trước khi trở thành cầu thủ lừng danh, Messi từng suýt mất đi cơ hội thực hiện ước mơ đá bóng vì gặp một vấn đề sức khỏe đó là thiếu hormone tăng trưởng.
10 tuổi nhưng Messi chỉ cao 1m27, anh trông còi cọc hơn so với bạn bè cùng tuổi. Năm 11 tuổi, cầu thủ người Argentina được chẩn đoán mắc chứng thiếu hụt hormone tăng trưởng (GHD), một tình trạng do lượng hormone tăng trưởng trong cơ thể không đủ, dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển bị suy giảm.
Tuy nhiên, chi phí điều trị căn bệnh này không hề rẻ nên các CLB Argentina đều không muốn chi số tiền lớn giúp Messi điều trị. Cơ hội đến với Messi năm 13 tuổi khi anh được người tìm kiếm tài năng của Barcelona phát hiện. Họ đưa Messi đến Tây Ban Nha đào tạo và chữa trị cho anh.
Trong một bài phỏng vấn, Messi từng chia sẻ ban đầu cha mẹ đã tiêm cho anh hormone tăng trưởng. Đến năm 12 tuổi, anh bắt đầu tự tiêm. “Mỗi tối, tôi phải tự tiêm thuốc vào chân của mình. Tôi bắt đầu làm điều đó vào năm 12 tuổi. Nó không đau, đó là việc thường ngày tôi phải làm nên rất thuần thục" - Messi nhớ lại.
Đến năm 14 tuổi, chàng cầu thủ mang áo số 10 đã kết thúc quá trình điều trị bằng hormone.
Thiếu hụt hormone tăng trưởng (GHD) là gì? Hormone tăng trưởng là một chất cần thiết để kích thích sự phát triển của xương và mô giúp trẻ tăng trưởng và phát triển. Thiếu hormone tăng trưởng là tình trạng tuyến yên không sản xuất đủ hormone tăng trưởng, làm suy giảm sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Có hai loại thiếu hụt hormone tăng trưởng. Loại thứ nhất là bẩm sinh. Đây là tình trạng mà trẻ sơ sinh thường mắc phải. Ban đầu, sự phát triển của trẻ có vẻ bình thường nhưng các triệu chứng bắt đầu xuất hiện khi trẻ được khoảng 6 đến 12 tháng tuổi.
Loại thứ hai là do mắc phải, xảy ra khi tuyến yên của cơ thể ngừng sản xuất đủ hormone tăng trưởng để cơ thể phát triển bình thường. Điều này có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong thời thơ ấu.
Chẩn đoán thiếu hụt hormone tăng trưởng (GHD) ở trẻ em thường xảy ra nhất ở hai độ tuổi. Đầu tiên là khoảng 5 tuổi khi trẻ bắt đầu đi học. Do cha mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy chiều cao của con mình so với chiều cao của các bạn cùng lớp. Độ tuổi thứ hai là khoảng 10 đến 13 tuổi ở bé gái và 12 đến 16 tuổi ở bé trai, đây là độ tuổi bắt đầu dậy thì. Dậy thì muộn có thể là dấu hiệu thiếu hụt hormone tăng trưởng.
Dấu hiệu phổ biến nhất của sự thiếu hụt hormone tăng trưởng là chậm phát triển, tức là một đứa trẻ có vóc dáng thấp còi hơn đáng kể so với những đứa trẻ cùng tuổi. Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm: chậm dậy thì, khuôn mặt trẻ trung hơn, răng mọc chậm, rối loạn tăng trưởng tóc, tăng mỡ quanh mặt và bụng, dương vật rất nhỏ (micropenis) ở trẻ sơ sinh.
Bác sĩ nội tiết nhi khoa có thể giúp chẩn đoán và điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng. Một số xét nghiệm có thể chẩn đoán tình trạng này là: Xét nghiệm máu, chụp X-quang tuổi xương, thử nghiệm kích thích GH, chụp MRI não
Để điều trị tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng, người bệnh cần tiêm hormone tăng trưởng tổng hợp mỗi ngày. Việc điều trị có thể kéo dài vài năm, cho đến cuối tuổi dậy thì. Điều quan trọng là việc điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt thì khả năng thành công càng cao.