Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định virus corona chủng mới có thể lây truyền ở mọi khu vực kể cả những nơi có thời tiết nóng ẩm.
Quá trình virus corona chủng mới lây lan ra toàn cầu
WHO cho biết virus corona chủng mới vẫn có thể lây truyền trong thời tiết nóng ẩm
Theo WHO, dựa trên các bằng chứng từ trước cho đến nay, virus corona chủng mới có thể lây truyền ở TẤT CẢ CÁC KHU VỰC, bao gồm cả những khu vực có thời tiết nóng và ẩm. Do đó, dù thời tiết có thay đổi thì vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa nếu bạn sống hoặc đi đến một khu vực có các trường hợp mắc COVID-19.
Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi mắc COVID-19 là thường xuyên vệ sinh tay. Bằng cách này, bạn sẽ loại bỏ virus có thể ở trên tay và tránh lây nhiễm bệnh có thể xảy ra bằng cách chạm tay vào mắt, miệng và mũi.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 6/3, Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cũng cho biết không nên kỳ vọng COVID-19 sẽ tự hết vào mùa hè.
Theo ông, giới chuyên gia hiện vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn cơ chế hoạt động và khả năng lây lan của COVID-19 "dưới các điều kiện thời tiết khác nhau". Vì vậy, chưa có dữ liệu để khẳng định virus sẽ tự hết khi mùa hè đến.
Ông Ryan nhấn mạnh: "Chúng tôi phải thừa nhận rằng virus sẽ tiếp tục lan rộng và sai lầm khi hi vọng nó sẽ biến mất vào thời điểm mùa hè giống như cúm mùa. Chúng ta hi vọng điều đó xảy ra nhưng hiện không có bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra. Chúng ta phải chống lại virus ngay bây giờ chứ đừng sống với hi vọng virus có thể tự biến mất”.
11 người Thái Lan mắc COVID-19 do uống chung cốc, hút chung điếu thuốc
Trong cuộc họp báo ngày 12/3, Sukhum Karnchanapimai, thư ký thường trực của Bộ Y tế Thái Lan cho biết đã phát hiện thêm 11 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số trường hợp dịch COVID-19 lên 70, trong đó một người thiệt mạng.
Hiện đã có 70 người nhiễm virus Corona ở Thái Lan. AFP
Bộ Y tế Thái Lan cũng cho biết 11 người mắc COVID-19 nằm trong nhóm 15 người đã tham gia một buổi gặp mặt và cùng chia sẻ thức uống, thuốc lá trong 2 dịp tụ họp vào cuối tháng 2. Trong số 15 người tham gia buổi gặp mặt này có 4 người có kết quả xét nghiệm âm tính, một người Hong Kong (Trung Quốc) cũng tham gia. Hiện chưa rõ người Hong Kong tham dự buổi tiệc này có nhiễm virus SARS-CoV-2 không bởi người này hiện đã trở lại Hong Kong.
Ông Sukhum Kanchanapimai cho hay, đây là cụm nhiễm virus lớn nhất từng được ghi nhận ở Thái Lan cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tạm thời giới chức y tế Thái Lan hạ thấp nguy cơ đe dọa từ cái gọi là nguồn “siêu lây lan”, dù đã xảy ra trường hợp của nhóm bạn trên.
Đại diện Bộ Y tế Thái Lan cũng khuyên người dân tránh các cuộc tụ họp lớn và không chia sẻ đồ ăn, đồ uống của mình với bất kỳ ai.
Virus coronavirus mới có thể lây nhiễm trong tuần đầu tiên sau khi mắc bệnh
Trang Medical News Today đã dẫn lại nghiên cứu mới của Đức về việc xác định thời điểm virus corona chủng mới dễ lây lan nhất. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Vi sinh Bundeswehr ở Munich, Klinikum München-Schwabing, Charité Universitätsmedizin Berlin và Bệnh viện Đại học LMU Munich, đều ở Đức cho thấy rằng những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có nhiều khả năng truyền virut trong tuần đầu tiên sau khi mắc bệnh.
Nghiên cứu mới chưa được các chuyên gia bên ngoài khác thẩm định về độ chính xác nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chia sẻ nghiên cứu để mọi người có thể tham khảo.
Một đơn vị chăm sóc đặc biệt điều trị bệnh nhân coronavirus trong một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, tâm chấn của virus.
Để tìm hiểu khả năng virus lây lan ở các giai đoạn nhiễm trùng khác nhau và thông qua phương tiện nào, các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu khác nhau mà họ thu thập được từ 9 người đã nhiễm SARS-CoV-2.
Tất cả họ đều đã đến bệnh viện ở Munich để chẩn đoán, điều trị và đều trải qua các triệu chứng nhẹ. Cả 9 người trong độ tuổi từ thanh niên đến trung niên và không có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu nước bọt và chất nhầy, cũng như mẫu máu, nước tiểu và phân được thu thập ở các giai đoạn khác nhau của bệnh nhân khi nhiễm trùng. Họ đã kiểm tra từng người trong số họ để xem virus có mặt hay không và liệu nó có khả năng lây nhiễm thêm không.
Các mẫu từ họng của bệnh nhân tiết lộ rằng virus này lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi người đó nhiễm bệnh. Điều này xảy ra với 16,66% mẫu bệnh phẩm ngoáy họng và 83,33% mẫu đờm (nước bọt và chất nhầy).
Trong khi các mẫu máu và nước tiểu không có bất kỳ dấu vết virus nào, các mẫu phân có ARN virus. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể tạo ra virus nuôi cấy từ ARN virus có trong phân, điều này cho thấy đây không thể là một nguồn lây nhiễm.
“Thời gian virus phát tán qua đờm không chỉ có ý nghĩa đối với kiểm soát nhiễm trùng trong bệnh viện mà còn đối với việc quản lý xuất viện”, các tác giả viết.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu gợi ý rằng trong tương lai, các chuyên gia y tế có thể tránh được tình trạng thiếu giường bệnh bằng cách cho bệnh nhân xuất viện sớm và khuyên họ nên tự cách ly.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Điều này cần phải cân nhắc trong tình huống thiếu giường bệnh tại các khoa bệnh truyền nhiễm, có thể phải cho bệnh nhân xuất viện sớm sau điều trị. Dựa trên những phát hiện hiện tại, có thể lựa chọn xuất viện sớm kèm theo cách ly tại nhà cho những bệnh nhân mà triệu chứng đã vượt quá 10 ngày…”.